Quảng Trị: Lượng khách du lịch đến đảo Cồn Cỏ ngày càng tăng mạnh

Lượng khách du lịch đến thăm đảo Cồn Cỏ tăng mạnh, năm 2018 đón trên 4.000 khách và đặc biệt trong hơn 7 tháng của năm nay đón trên 7.000 khách.
Quảng Trị: Lượng khách du lịch đến đảo Cồn Cỏ ngày càng tăng mạnh ảnh 1Một góc đảo Cồn Cỏ nhìn từ hướng Tây Nam. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, du lịch biển đảo tại đảo Cồn Cỏ đang khởi sắc khi lượng du khách đến địa phương tăng mạnh.

Năm 2016, huyện đảo Cồn Cỏ thử nghiệm tuyến du lịch Cửa Việt-Cồn Cỏ và đã thu hút hàng trăm du khách đến với đảo.

Trong các năm tiếp theo, lượng khách du lịch đến thăm đảo Cồn Cỏ tăng mạnh. Cụ thể, năm 2017 đảo Cồn Cỏ đón gần 2.000 khách; năm 2018 đón trên 4.000 khách; trong hơn 7 tháng qua đón trên 7.000 khách.

Từ năm 2017, huyện Cồn Cỏ chính thức triển khai đề án mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Đến cuối tháng 1/2018, Ủy ban Nhân dân huyện Cồn Cỏ đã ký hợp đồng đóng mới tàu vận chuyển hành khách từ Cửa Việt ra Cồn Cỏ với lượng chuyên chở 80 người/chuyến, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng cấp 5, tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng.

Con tàu hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 8/2018, qua đó giúp rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ khoảng 17 hải lý, từ 2 giờ xuống còn khoảng gần 1 giờ.

Huyện đảo Cồn Cỏ phấn đấu đến năm 2020 mở được từ 3-4 tour du lịch chất lượng cao và có từ 2-3 tàu cao tốc hoạt động phục vụ du khách đến với đảo.

Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, trong đó có sự tham gia của người dân cũng đóng vai trò quan trọng để thu hút khách du lịch đến với Cồn Cỏ.

Đặc biệt là từ tháng 8/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp nhận toàn bộ cơ sở hạ tầng điện trên đảo Cồn Cỏ để cung cấp nguồn điện lưới quốc gia thay cho nguồn điện diesel vốn không ổn định, đồng thời nâng cấp hệ thống cung cấp điện có giới hạn sang liên tục 24/24 giờ.

Nguồn điện lưới quốc gia về tới đảo, tạo bước đột phá để Cồn Cỏ phát triển, nhất là du lịch và dịch vụ. Chính quyền địa phương cũng đã xây dựng được một số sản phẩm vốn là đặc sản của Cồn Cỏ, phục vụ du lịch như nước mắm, trà thảo dược Giảo cổ lam...

[Quảng Trị ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển đảo]

Hiện nay, trên đảo Cồn Cỏ đã có 2 cơ sở lưu trú với 78 giường, người dân sinh sống trên đảo cũng tham gia làm du lịch, dịch vụ.

Anh Ngô Quang, 34 tuổi, là một trong những người tham gia làm du lịch trên đảo Cồn Cỏ, ngay từ những ngày đầu địa phương có chủ trương phát triển nghề này.

Ban đầu, anh Quang mở dịch vụ ăn uống phục vụ du khách tại nhà của mình trong khu dân cư trên đảo. Đầu năm nay, anh Quang đầu tư gần 100 triệu đồng, xây thêm điểm dừng chân cho du khách ở ven biển với diện tích 150m2.

Từ đầu năm đến nay, 2 cơ sở dịch vụ của anh Quang đã đón gần 2.000 lượt khách. Ngoài hải sản như mực, tôm, cua do chính ngư dân khai thác từ biển, các cơ sở dịch vụ của anh Quang còn có những món ăn làm từ gà, dê, lợn được chăn nuôi trên đảo.

Anh Ngô Quang cho biết, đang đầu tư 470 triệu đồng xây dựng nhà để làm mô hình du lịch homestay bởi rất tin tưởng vào sự phát triển của du lịch đảo Cồn Cỏ trong thời gian tới.

Đảo Cồn Cỏ có diện tích 2,3km2, nằm cách Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, khoảng 17 hải lý. Cồn Cỏ nằm án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc bộ nên được ví như "mắt thần" hay "vọng gác tiền tiêu."

Không chỉ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ còn được xem là một hòn đảo đẹp hoang sơ của miền Trung. Hệ thống chứng tích chiến tranh vẫn còn hiện hữu ở Cồn Cỏ gồm: giao thông hào, địa đạo dọc ngang dài hàng nghìn mét cùng các địa danh đã đi vào lịch sử như điểm cao 63, 37.

Ngoài tên Cồn Cỏ, người dân địa phương còn gọi hòn đảo tiền tiêu này bằng nhiều tên khác như Hòn Cỏ, Con Hổ hay Hòn Mệ. Khi ra đảo Cồn Cỏ, du khách thường tìm đến các bãi tắm hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp và cát trắng bởi nơi đây rất lý tưởng để tắm biển hoặc câu cá.

Quảng Trị: Lượng khách du lịch đến đảo Cồn Cỏ ngày càng tăng mạnh ảnh 2Một góc khu trung tâm huyện đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Nằm sâu dưới vùng biển này còn có những rạn san hô, được đánh giá là một trong những rạn san hô tốt nhất Việt Nam, trong đó có loài san hô đỏ quý hiếm, phân bố với mật độ dày đặc, màu sắc đẹp.

Cồn Cỏ còn được phủ xanh phần lớn diện tích bởi rừng nguyên sinh chiếm đến 70% tổng diện tích đảo với thảm thực vật phong phú. Chính vì vậy mà càng ngày đảo càng thu hút nhiều khách du lịch.

Cùng với đó là Cột cờ Tổ quốc đảo Cồn Cỏ cao vút, uy nghi giữa trùng khơi. Đứng trên ngọn hải đăng ở giữa đảo cũng giúp du khách thỏa thích ngắm toàn cảnh đảo Cồn Cỏ, đồng thời tận mắt thấy ngư dân ngày đêm đưa tàu bám biển và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch thu hút được nhiều khách nhất đến với Quảng Trị, nhất là “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ.

Du khách nên đi đảo Cồn Cỏ vào mùa Hè, khoảng tháng Tư đến tháng Sáu hàng năm. Thời điểm này sóng lặng, biển êm và nắng đẹp thích hợp cho kế hoạch du ngoạn trên đảo. Những tháng còn lại vẫn có thể ra đảo nhưng bạn phải xem tình hình thời tiết.

Du khách chú ý mang theo thuốc say tàu xe, kem chống nắng, máy ảnh du lịch, mũ rộng vành hoặc lưỡi trai tùy thuộc vào giờ khám phá những cung đường trên đảo. Ngoài đồ bơi, ai thích lặn có thể mang theo kính chuyên dụng để cùng người dân đánh bắt hải sản lúc chiều tà ở âu tàu của đảo Cồn Cỏ.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, Nguyễn Văn Chiến, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, khi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, triển khai các tour ra đảo Cồn Cỏ trong “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ.

Hiện nay, đầu tư vào "tam giác" du lịch biển này có Công ty cổ phần Tập đoàn AE với Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort-Cửa Tùng, diện tích trên 36 ha, tổng mức đầu tư hơn 490 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018-2021, gồm các hạng mục: khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí…

Tập đoàn FLC cũng đang xem xét thực hiện Dự án "Tổ hợp khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC-Quảng Trị"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục