Quốc hội Libya tranh luận căng thẳng về chính phủ mới

Phiên họp của các thành viên Quốc hội Libya với Hội đồng Tổng thống về chương trình của chính phủ cũng như danh sách nội các đã phải tạm dừng sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng.
Quốc hội Libya tranh luận căng thẳng về chính phủ mới ảnh 1Toàn cảnh phiên họp tại Tobruk ngày 20/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/2, Thủ tướng được chỉ định của Libya Fayez al-Sarraj đã trình Quốc hội chương trình làm việc của chính phủ đoàn kết dân tộc mới trước thềm một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dự kiến diễn ra ngày 23/2 tới.

Hãng thông tấn LANA của Libya cho biết các thành viên Quốc hội được quốc tế công nhận đã thảo luận với Hội đồng Tổng thống về chương trình của chính phủ cũng như danh sách nội các.

Phiên họp đã phải tạm dừng sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng và dự kiến sẽ được nối lại vào chiều nay theo giờ Hà Nội.

Hội đồng Tổng thống là cơ quan được thành lập sau thỏa thuận tháng 12/2015 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, gồm các đại diện của hai Quốc hội đối địch.

Ngày 15/2 vừa qua, Hội đồng này đã đề xuất thành lập một chính phủ đoàn kết gồm 18 thành viên, trong đó có 13 bộ trưởng và 5 quốc vụ khanh. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm tiến hành bỏ phiếu công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc sang ngày 23/2 tới thay vì dự kiến diễn ra trong ngày 16/2 do một số nghị sỹ không hài lòng khi phải đưa ra quyết định quá nhanh, đồng thời yêu cầu cho biết lý lịch của các Bộ trưởng được đề xuất.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 23/2 tới, Thủ tướng Sarraj được đề nghị tới Tobruk, nơi đặt trụ sở của Quốc hội được quốc tế công nhận, để trả lời chất vấn của các nghị sĩ. Hiện chưa rõ liệu ông Sarraj có tham gia phiên họp Quốc hội trong ngày 21/2 hay không.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là Quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.

Tình trạng trên đẩy Libya vào cảnh có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Lợi dụng bất ổn đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu tại nước này.

Các động thái trên diễn ra một ngày sau khi Mỹ tiến hành không kích một trại huấn luyện của IS ở Sabratha, cách thủ đô Tripoli 70km, làm 49 người thiệt mạng, trong đó được cho là có một thủ lĩnh cấp cao của IS tên là Noureddine Chouchane, có biệt danh là "Sabir."

Chính phủ được quốc tế công nhận của Libya đã lên án vụ không kích của Mỹ là "vi phạm trắng trợn chủ quyền của nhà nước Libya."

Trong khi đó, Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic cho biết hai nhân viên sứ quán Serbia tại Libya đã thiệt mạng trong vụ không kích trên. Hai nhân viên này vốn đang bị IS bắt làm con tin tại Sabratha từ ngày 8/12/2015 khi đang trên một đoàn xe đến biên giới Tunisia.

Theo ông Vucic, đây là cuộc khủng hoảng con tin lớn đầu tiên mà Serbia phải đối mặt. Ông cũng cho biết thi thể của hai người này sẽ được đưa về nước vào ngày 22/2.

Về phần mình, Lầu Năm Góc khẳng định "không có thông tin" nào cho thấy cuộc không kích này đã làm hai người Serbia thiệt mạng và việc hai nhân viên này thiệt mạng trong bối cảnh nào "vẫn chưa rõ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục