Quốc hội Romania phê chuẩn danh sách nội các mới

Với 284 phiếu ủng hộ, Quốc hội Romania trong phiên họp toàn thể ngày 7/5 đã phê chuẩn nội các mới của Thủ tướng Victor Ponta.
Với 284 phiếu ủng hộ, vượt xa 231 số phiếu cần thiết, Quốc hội Romania trong phiên họp toàn thể ngày 7/5 đã phê chuẩn nội các mới của Thủ tướng Victor Ponta thuộc Liên minh Xã hội Tự do (SLU) cánh tả - gồm các đảng Dân chủ Xã hội, đảng Tự do Dân tộc và đảng Bảo thủ. Chính phủ mới của Romania sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14/5 tới.

[Thủ tướng Romania Ponta đã công bố nội các mới]

Phát biểu trước Quốc hội, tân Thủ tướng Ponta tuyên bố tổ chức các cuộc tổng tuyển cử và bầu cử địa phương công bằng sẽ là mục tiêu chính đối với nội các của ông. Sau tổng tuyển cử, SLU chủ trương xây dựng một chính phủ dân chủ và linh hoạt hơn nhằm đảm bảo tương lai phát triển của đất nước.

Ông Ponta cũng cho biết thêm chính phủ mới của Romania sẽ tiếp tục các đường hướng cơ bản phát triển kinh tế của đất nước và tuân thủ các cam kết trước Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về tự do hóa giá điện, khí đốt tự nhiên và tư nhân hóa một phần tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng tăng cường thu hút nguồn vốn từ các quỹ của châu Âu và tiếp tục tiến hành đàm phán về việc gia nhập Hiệp ước Senghen, vốn bị trì hoãn do Bucharest không thực hiện một loạt yêu cầu về chống tham nhũng.

Ông Ponta, 40 tuổi, là Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội từ năm 2010, đồng thời giữ cương vị đồng chủ tịch SLU. Ông được Tổng thống Traian Basescu chỉ định giữ chức thủ tướng mới của nước này vào tối 27/4, vài giờ sau khi chính phủ trung hữu của cựu Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu không vượt qua được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Romania là quốc gia nghèo thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Trong quý đầu năm 2012, kinh tế Romania gần như đã rơi vào suy thoái. Để tránh nguy cơ vỡ nợ, chính phủ nước này buộc phải thắt chặt chi tiêu và tiến hành cải cách để nhận được 20 tỷ euro (26 tỷ USD) trợ giúp của IMF và EU. Tuy nhiên, các biện pháp kinh tế khắc khổ bị người dân phản đối mạnh mẽ khiến chính phủ của cựu Thủ tướng Ungureanu đã phải "ra đi" chỉ hai tháng sau khi thành lập.

Nhiệm vụ khó khăn nhất mà chính phủ mới của Romania phải đối mặt là phải cân bằng ngân sách năm 2012 nhằm đáp ứng những điều kiện của các chủ nợ quốc tế, mà không khiến người dân "nổi giận"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục