Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ẩu đả xung quanh việc sửa đổi hiến pháp

Ẩu đả và xô xát đã xảy ra ngay trong phòng họp của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đêm 19/1 làm ít nhất 2 nghị sỹ bị thương.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ẩu đả xung quanh việc sửa đổi hiến pháp ảnh 1Vòng bỏ phiếu thứ 2 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/1. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến gần hơn đến mục tiêu thông qua một dự luật sửa đổi hiến pháp gây tranh cãi về việc mở rộng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.

Những người ủng hộ coi dự luật này là sự bảo đảm cho ổn định chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn biến động hiện nay, trong khi phe đối lập tố cáo đây là hành động thâu tóm quyền lực nhằm thiết lập một nhà nước toàn trị.

Sau vòng bỏ phiếu thứ hai kết thúc đêm 19/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua 7 trong số 18 điều khoản của dự luật sửa đổi hiến pháp do đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đề xuất.

Dự kiến, toàn bộ dự luật này sẽ được thông qua trong đêm 20/1. Tuy nhiên, ẩu đả và xô xát đã xảy ra ngay trong phòng họp của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đêm 19/1 làm ít nhất 2 nghị sỹ bị thương. Các vụ xô xát diễn ra sau khi bà Aylin Nazliaka, một nghị sỹ độc lập, phản đối dự luật bằng cách tự còng tay mình vào bục phát biểu với sự ủng hộ và bảo vệ của các nghị sỹ đối lập thuộc hai đảng CHP và HDP.

Theo các nội dung đã được thông qua, tuổi tối thiểu của một ứng cử viên nghị sỹ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ được hạ từ 25 xuống còn 18. Số lượng nghị sĩ cũng được tăng lên con số 600 từ mức 550 hiện nay.

Các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sẽ được tổ chức chung 5 năm một lần. Tuy nhiên nội dung đáng chú ý nhất là điều thứ 7 cho phép tổng thống vẫn được là thành viên của một đảng phái chính trị.

Những điều khoản còn lại của dự luật cho phép tổng thống được ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán quốc hội.

Dự luật sửa đổi hiến pháp cũng mở đường cho ông Tayyip Erdogan, người sáng lập AKP năm 2001, tiếp tục nắm giữ cương vị tổng thống đến năm 2029 với 2 nhiệm kỳ theo quy định mới, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2019.

Khi ông Erdogan kết thúc vai trò thủ tướng sau hơn một thập kỷ để trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014, đây là cương vị chủ yếu mang tính nghi lễ.

Tuy nhiên, nếu đề xuất sửa đổi hiến pháp được thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một tổng thống mới với quyền lực hành pháp tương tự như những người đồng cấp tại Mỹ và Pháp.

Một cuộc nghiên cứu do Đại học Kadir Has của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tổng thống là vị trí được tin tưởng nhất tại nước này, vượt qua cả vai trò của quân đội.

Đảng AKP cầm quyền nhấn mạnh, dự luật sửa đổi hiến pháp là cần thiết nhằm bảo đảm sự lãnh đạo vững mạnh thay cho các chính phủ liên minh lỏng lẻo trong quá khứ, đồng thời giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó hiệu quả với các cuộc tấn công của lực lượng chống đối người Kurd và các phần tử thánh chiến thuộc lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Syria.

Trong khi đó, phe đối lập và những người chỉ trích lại coi dự luật là bước tiếp theo nhằm củng cố quyền lực cá nhân của ông Erdogan và chủ nghĩa toàn trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh các vụ bắt giữ và cách chức hàng loạt đối với hàng chục nghìn thẩm phán, cảnh sát, quân nhân, nhà báo và học giả sau vụ đảo chính quân sự bất thành tháng 7 năm ngoái vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dự luật cần được ít nhất 330 nghị sỹ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua trước khi được đưa ra quyết định chính thức trong một cuộc trưng cầu ý dân.

AKP có 316 nghị sỹ trong quốc hội nhưng lại nhận được sự hậu thuẫn của đảng đối lập Phong trào Dân tộc Chủ nghĩa (MHP) với 39 nghị sỹ. Đến thời điểm này, các điều khoản của dự luật đều được thông qua với ít nhất 340 phiếu ủng hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục