Tại một hội nghị quốc tế do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức ngày 18/2 tại Paris (Pháp), cộng đồng quốc tế đã thông qua một chương trình hành động trị giá hơn 10 triệu USD (tương đương 7,5 triệu euro) để khôi phục các di sản văn hóa ở miền bắc Mali, bị hủy hoại do sự chiếm đóng của lực lượng phiến quân Hồi giáo, và bảo tồn các bản chép tay cổ được lưu giữ tại thành phố Timbuktu.
Theo thông cáo báo chí của UNESCO, mục tiêu đầu tiên của chương trình hành động này là khôi phục những công trình di sản văn hóa bị hư hại trong cuộc xung đột vũ trang vừa qua, bao gồm các lăng và nghĩa trang tại Timbuktu, mộ vua Askia tại thành phố Gao.
Công việc này sẽ được nhận số tiền là 5,1 triệu USD. Gần 4 triệu USD sẽ được chi cho dự án bảo tồn các bản chép tay cổ, thông qua việc xây dựng lại một tòa nhà của Viện cao học và nghiên cứu Hồi giáo Ahmed Baha, vốn là kho lưu trữ bản thảo cổ lớn nhất ở Tây Phi, và số hóa các cổ thư.
Cuối cùng là bảo tồn "bền vững di sản", bao gồm đào tạo các chuyên gia và huấn luyện kỹ năng liên quan cho các cộng đồng địa phương, chống nạn buôn bán các tài liệu cổ, với tổng chi phí là 1,7 triệu USD.
Nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Pháp, Na Uy và Luxembourg đã thông báo kế hoạch ủng hộ đối với các phần việc khác nhau của chương trình hành động này.
Cụ thể, Thư viện quốc gia Pháp sẽ tham gia bảo tồn các bản chép tay cổ được lưu giữ tại Timbuktu và Viện di sản Pháp giúp đào tạo các chuyên gia bảo tồn tại chỗ.
Trong thời gian chiếm đóng miền Bắc, các nhóm phiến quân Hồi giáo đã phá hủy nhiều lăng mộ các vị thánh của đạo Hồi cũng như một số bản chép tay cổ của Timbuktu.
Nằm ở của ngõ sa mạc Xahara, thành phố cổ Timbuktu, ra đời từ thế kỷ 11, là nơi lưu giữ nhiều bản thảo chép tay nổi tiếng và các sách quý của thời kỳ mà thành phố này là trung tâm tri thức và tâm linh của đạo Hồi tại châu Phi vào thế kỷ 15 và 16./.