Quốc tế hóa phong trào để... ngực trần đòi nữ quyền

Phong trào cởi trần đòi bình quyền của nhóm Femen ở Ukraine giờ đã lan khắp thế giới, nhưng bị chỉ trích là thiếu định hướng rõ ràng.
Những người thuộc nhóm ủng hộ bình quyền Femen của Ukraine đang tổ chức những cuộc biểu tình ngực trần vòng quanh thế giới. Các nhà hoạt động đã thực hiện việc cởi áo để nêu bật nhiều vấn đề, từ nhân quyền cho đến lạm dụng tình dục. Các nhà hoạt động của Femen đã cởi áo ở Mátxcơva, Paris, Zurich, Brussels và ngay cả quảng trường St Peter ở Vatican City. Và giờ đây họ dự định sẽ thậm chí còn tiến xa hơn. "Trong năm nay chúng tôi hy vọng sẽ hoạt động tại phạm vi Bắc Phi và Nam Mỹ," một trong những lãnh đạo của Femen, Anna Gutsol, cho AFP biết. Nhóm này, được thành lập vào năm 2008, đến với ý tưởng về các cuộc biểu tình ngực trần chỉ do tình cờ. Trong một cuộc tuần hành năm 2009, các nhà hoạt động của Femen đã vẽ những biểu ngữ lên lưng mình và để trần lưng trước các nhiếp ảnh. Những bức ảnh này đã trở nên nổi tiếng, dẫn dắt những phụ nữ này tiến tới những cách thức kỳ quặc hơn để thể hiện quan điểm. Kể từ khi họ quay đầu đối mặt với máy quay, truyền thông quốc tế, vốn luôn chú ý vào những trò gây thu hút, đã đưa rất nhiều tin tức về họ. Trong cuộc bầu cử căng thẳng tại Ukraine năm 2010, bốn người phụ nữ trẻ đã táo bạo cởi áo tại một địa điểm bỏ phiếu. Và giờ, nhóm này đã luân phiên thực hiện tuyên truyền tại các nước Tây Âu. Tháng Chín năm ngoái nhóm này đã khởi động "trung tâm đào tạo đầu tiên" tại Paris để phổ biến thương hiệu "chủ nghĩa bình quyền mới" của nhóm. Một nhà hoạt động khác đã tới Berlin để điều hành một chi nhánh của Femen ở Đức.
Quốc tế hóa phong trào để... ngực trần đòi nữ quyền ảnh 1
Thành viên Femen biểu tình ngực trần tại Vatican (Nguồn: AFP)
Văn phòng ở Paris được điều hành bởi Inna Shevchenko, người đã ở lại Pháp từ năm 2012 sau khi cô cưa đổ một cây thánh giá lớn bằng gỗ tại trung tâm Kiev để ủng hộ nhóm nhạc nữ của Nga Pussy Riot. Nhiều chuyên gia đã coi nhóm này như những người kế vị cho các phụ nữ đấu tranh đòi quyền bầu cử ở thế kỷ 19, hay cuộc vận động vì quyền lợi của phụ nữ những năm 1970. Chuyên gia Rejane Senac tại Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học có trụ sở tại Paris cho biết Femen đại diện cho "làn sóng thứ ba về bình quyền." Mặt trận mới này "tập trung vào chia sẻ quyền lực" giữa đàn ông và phụ nữ và "chứng minh bản thân thông qua hình thức hoạt động đôi lúc tương tự như sự trình diễn," cô cho AFP biết. Nhà sử học Pháp Christine Bard nói rằng Femen chú trọng đến kết nối "giữa sự chính trị hóa các vấn đề tình dục và bảo vệ tính dân chủ." Nhưng tại Ukraine, mọi người đã mệt mỏi và bức tức với các cuộc biểu tình của Femen, diễn ra hầu như hàng tuần đồng thời như không có định hướng rõ ràng. Một số nhà phê bình Ukranie đã chỉ trích cuộc vận động này đang trở nên thương mại hóa, mặc dù các thành viên Femen mạnh mẽ phủ nhận điều đó, nói rằng họ sống một cách vừa phải với thu nhập đến từ các hoạt động từ thiện, các cửa hàng trực tuyến nơi họ bán áo phông và cốc của Femen.
Quốc tế hóa phong trào để... ngực trần đòi nữ quyền ảnh 2
Biểu tình ngực trần tại Euro 2012 (Nguồn: AFP)
Mariana Yevsyukova, một thành viên cao cấp của của nhóm hoạt động quốc tế về quyền lợi phụ nữ La Strada, cho biết cô tin rằng các thành viên của Femen "đã phá hủy cả hình ảnh và phong trào hoạt động bình quyền thực sự của Ukraine." "Họ biểu tình chống lại mọi thứ, nhưng không có một vấn đề riêng rẽ nào được giải quyết nhờ vào họ," cô nói. Femen bất chấp những lời chỉ trích bằng cách công bố một hướng đi mới như một nhóm đầu tiên của Ukraine vượt ra khỏi biên giới quốc gia để bước vào hoạt động quốc tế. "Chúng tôi vẫn không biết rõ mục đích của họ là gì. Nhưng điều mới mẻ ở đây là nhóm này đã hoạt động ở đẳng cấp quốc tế," Bard nói./.
S.N (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục