Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự kiến những em đoạt giải cuộc thi học sinh giỏi quốc gia từ giải ba trở lên sẽ được tuyển thẳng vào đại học, học sinh và giáo viên các trường trung học phổ thông đều tỏ vẻ rất mừng rỡ.
Giảm áp lực cho học sinh
“Đây đúng là một tin vui. Không quá áp lực về kỳ thi đại học, em sẽ tập trung hơn cho kỳ thi học sinh giỏi,” Nguyễn Việt Dũng, học sinh lớp 12 Toán, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) vui vẻ nói.
Năm 2010, dù mới học lớp 11 nhưng Dũng vẫn được dự thi học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải khuyến khích. Theo thầy Phạm Văn Quốc, giáo viên dạy toán của trường, với thành tích của năm lớp 11 thì năm nay Dũng sẽ là ứng cử viên để dự thi trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sắp tới.
Dũng chia sẻ, em rất hạnh phúc khi mình được dự thi, nhưng cũng rất lo vì thi đại học và thi học sinh giỏi là hai nội dung kiến thức khác nhau. Em phải học cả hai chương trình nên việc phân bổ thời gian rất khó khăn.
“Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh đoạt từ giải ba trở lên được vào thẳng thì đây thực sự là một tin rất vui. Không phải lo về kỳ thi đại học nữa, chúng em sẽ có quỹ thời gian lớn hơn, phát huy được sở trường của mình hơn, ôn tập chắc chắn sẽ hiệu quả hơn”, Dũng chia sẻ.
Cũng theo Dũng, Dự thảo này rõ ràng là một sự ưu ái rất lớn của lãnh đạo Bộ với những học sinh dự thi đổi tuyển quốc gia. Vì thế, em sẽ phải cố gắng hơn.
Đây cũng là chia sẻ của Nguyễn Duy Hưng, cậu bạn cùng lớp và cùng đội tuyển với Dũng. Hưng bảo, đã thi học sinh giỏi thì càng không thể không đỗ đại học được, đã đoạt giải thì lại càng không thể trượt nên áp lực với các thành viên đội tuyển rất lớn. “Thông tin này sẽ giúp cho chúng em có thêm động lực học tập,” Hưng cười nói.
Thầy Phạm Văn Quốc cho biết, trên thực tế rất hiếm có học sinh nào đoạt giải quốc gia mà lại trượt đại học, thường các em thi đại học đạt điểm rất cao. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh này vẫn tạo cho các em sự căng thẳng. Không chỉ căng thẳng cho học sinh mà cho cả giáo viên vì với học sinh lớp 12, thi đại học vẫn là chính. “Chúng tôi thực sự vui mừng trước thông tin các em sẽ được vào thẳng. Hy vọng là dự thảo này sẽ được Bộ sớm ban hành chính thức,” thầy Quốc chia sẻ.
Nên mở rộng đối tượng ưu tiên
Theo cô Nguyễn Kim Dung, giáo viên trường Trung học phổ thông chuyên Amsterdam – Hà Nội, học sinh vào được đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia là những em giỏi nhất đã được chọn lọc từ rất nhiều học sinh giỏi của mỗi trường. Những em đó hoàn toàn có khả năng đỗ đại học, nếu bắt các em dự thi. Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến cho các em có nhiều áp lực hơn và khó tập trung hoàn toàn cho ôn tập để thi học sinh giỏi.
Với thầy Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên Nguyễn Vũ Lương, thì chính sách ưu tiên này sẽ tạo một động lực mới cho thầy và trò. “Vừa thi học sinh giỏi vừa thi đại học, các em rất khó yên tâm. Ở lứa tuổi các em cũng khó để một lúc phải tập trung tới hai việc,” thầy Lương nói.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, việc ưu tiên vào thẳng đại học thậm chí có thể mở rộng đối tượng hơn, không chỉ với học sinh giỏi quốc gia mà với cả những em đoạt giải cấp tỉnh, thành phố, vì đây đều là những học sinh xuất sắc. Bên cạnh đó, có thể không chỉ hạn chế ngành học theo đúng môn các em dự thi mà có thể mở rộng là khối tự nhiên hoặc khối xã hội nói chung.
Đồng quan điểm với thầy Nguyễn Vũ Lương, thầy Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên (Đại học Sư phạm Hà Nội), cho rằng, những em học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tỉnh, thành phố là những em xuất sắc nhất trong số tất cả học sinh trong toàn tỉnh. Các em xứng đáng được vào thẳng đại học.
Học sinh đoạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào đại học là một phần trong nội dung “Dự thảo Quy chế Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp của công luận. Ngoài các vấn đề về chế độ ưu tiên cho học sinh, Dự thảo cũng quy định rõ từ quy trình tuyển chọn đến việc thi cử, phúc khảo... trong kỳ thi chọn những học sinh xuất sắc nhất này./.
Giảm áp lực cho học sinh
“Đây đúng là một tin vui. Không quá áp lực về kỳ thi đại học, em sẽ tập trung hơn cho kỳ thi học sinh giỏi,” Nguyễn Việt Dũng, học sinh lớp 12 Toán, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) vui vẻ nói.
Năm 2010, dù mới học lớp 11 nhưng Dũng vẫn được dự thi học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải khuyến khích. Theo thầy Phạm Văn Quốc, giáo viên dạy toán của trường, với thành tích của năm lớp 11 thì năm nay Dũng sẽ là ứng cử viên để dự thi trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sắp tới.
Dũng chia sẻ, em rất hạnh phúc khi mình được dự thi, nhưng cũng rất lo vì thi đại học và thi học sinh giỏi là hai nội dung kiến thức khác nhau. Em phải học cả hai chương trình nên việc phân bổ thời gian rất khó khăn.
“Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh đoạt từ giải ba trở lên được vào thẳng thì đây thực sự là một tin rất vui. Không phải lo về kỳ thi đại học nữa, chúng em sẽ có quỹ thời gian lớn hơn, phát huy được sở trường của mình hơn, ôn tập chắc chắn sẽ hiệu quả hơn”, Dũng chia sẻ.
Cũng theo Dũng, Dự thảo này rõ ràng là một sự ưu ái rất lớn của lãnh đạo Bộ với những học sinh dự thi đổi tuyển quốc gia. Vì thế, em sẽ phải cố gắng hơn.
Đây cũng là chia sẻ của Nguyễn Duy Hưng, cậu bạn cùng lớp và cùng đội tuyển với Dũng. Hưng bảo, đã thi học sinh giỏi thì càng không thể không đỗ đại học được, đã đoạt giải thì lại càng không thể trượt nên áp lực với các thành viên đội tuyển rất lớn. “Thông tin này sẽ giúp cho chúng em có thêm động lực học tập,” Hưng cười nói.
Thầy Phạm Văn Quốc cho biết, trên thực tế rất hiếm có học sinh nào đoạt giải quốc gia mà lại trượt đại học, thường các em thi đại học đạt điểm rất cao. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh này vẫn tạo cho các em sự căng thẳng. Không chỉ căng thẳng cho học sinh mà cho cả giáo viên vì với học sinh lớp 12, thi đại học vẫn là chính. “Chúng tôi thực sự vui mừng trước thông tin các em sẽ được vào thẳng. Hy vọng là dự thảo này sẽ được Bộ sớm ban hành chính thức,” thầy Quốc chia sẻ.
Nên mở rộng đối tượng ưu tiên
Theo cô Nguyễn Kim Dung, giáo viên trường Trung học phổ thông chuyên Amsterdam – Hà Nội, học sinh vào được đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia là những em giỏi nhất đã được chọn lọc từ rất nhiều học sinh giỏi của mỗi trường. Những em đó hoàn toàn có khả năng đỗ đại học, nếu bắt các em dự thi. Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến cho các em có nhiều áp lực hơn và khó tập trung hoàn toàn cho ôn tập để thi học sinh giỏi.
Với thầy Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên Nguyễn Vũ Lương, thì chính sách ưu tiên này sẽ tạo một động lực mới cho thầy và trò. “Vừa thi học sinh giỏi vừa thi đại học, các em rất khó yên tâm. Ở lứa tuổi các em cũng khó để một lúc phải tập trung tới hai việc,” thầy Lương nói.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, việc ưu tiên vào thẳng đại học thậm chí có thể mở rộng đối tượng hơn, không chỉ với học sinh giỏi quốc gia mà với cả những em đoạt giải cấp tỉnh, thành phố, vì đây đều là những học sinh xuất sắc. Bên cạnh đó, có thể không chỉ hạn chế ngành học theo đúng môn các em dự thi mà có thể mở rộng là khối tự nhiên hoặc khối xã hội nói chung.
Đồng quan điểm với thầy Nguyễn Vũ Lương, thầy Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên (Đại học Sư phạm Hà Nội), cho rằng, những em học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tỉnh, thành phố là những em xuất sắc nhất trong số tất cả học sinh trong toàn tỉnh. Các em xứng đáng được vào thẳng đại học.
Học sinh đoạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào đại học là một phần trong nội dung “Dự thảo Quy chế Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp của công luận. Ngoài các vấn đề về chế độ ưu tiên cho học sinh, Dự thảo cũng quy định rõ từ quy trình tuyển chọn đến việc thi cử, phúc khảo... trong kỳ thi chọn những học sinh xuất sắc nhất này./.
Phạm Mai (Vietnam+)