Quy định dùng năng lượng tiết kiệm ở ngành giao thông

Vietnam+ và Bộ Giao thông vận tải xin giới thiệu những nội dung cơ bản về quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm ở ngành giao thông.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2011, các Bộ ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy hoạt động này.

Ngày 17/6/2010, Quốc hội đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Căn cứ theo Luật, Chính phủ, các Bộ ngành đã xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện Luật một cách hiệu quả và có hệ thống.

Vietnam+ và Vụ Môi trường - Bộ Giao thông vận tải xin giới thiệu tới quý bạn đọc những nội dung cơ bản về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được quy định trong Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.

I. Một số văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.


- Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Nghị định số 21/2011/NĐ-CP  ngày 29/3/2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sau đây gọi là Nghị định 21).

- Nghị định số 73/2011/NĐ-CP  ngày 24/8/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sau đây gọi là Nghị định 73).

- Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg  ngày 12/9/2011 quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện (sau đây gọi là Quyết định số 51).

- Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT ngày 26/12/2011 quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải (sau đây gọi là Thông tư số 64).

- Thông tư số 39/2011/TT-BCT ngày 28/10/2011 quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng (sau đây gọi là Thông tư số 39).

II. Một số quy định cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả liên quan đến hoạt động của ngành giao thông vận tải.

1. Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong ngành giao thông vận tải

Giao thông vận tải là ngành tiêu thụ năng lượng lớn và chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu năng lượng của các ngành kinh tế quốc dân.

Việc quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sử dụng năng lượng ngành giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả nguồn vốn, giảm bớt áp lực tới nguồn cung cấp, giảm lượng phát thải, ... góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Một trong những mục tiêu hàng đầu là áp dụng các biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sử năng lượng trọng điểm ngành giao thông vận tải. Đó là các cơ sở sản xuất công nghiệp, đơn vị vận tải có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm từ một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 21. Điều 32 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Điều 7 Nghị định số 21 giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong cả nước trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

Theo đó, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm ngành giao thông vận tải phải áp dụng các biện pháp nhằm quản lý việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau đây: thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc ba năm một lần; áp dụng mô hình quản lý năng lượng; xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm và năm năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch; chỉ định người quản lý năng lượng theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,...

Người quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo quản lý năng lượng và có chứng chỉ quản lý năng lượng do Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Luật, Nghị định 21 và Thông tư số 39, ...

2. Quy định về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải

a) Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã dành trọn Chương IV để quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải. Theo đó, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải được quy định tại Điều 19, bao gồm:

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tư vấn, thiết kế, đầu tư phát triển giao thông vận tải công cộng; sản xuất, sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng; khai thác và mở rộng ứng dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, nhiên liệu hỗn hợp, nhiên liệu sinh học thay thế xăng, dầu.

-  Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải phải lựa chọn và thực hiện các biện pháp sau đây: Tối ưu hóa tuyến vận tải, phương tiện vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Xây dựng và áp dụng quy định về bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giao thông vận tải thuộc phạm vi quản lý để giảm tiêu thụ nhiên liệu. Ứng dụng các giải pháp công nghệ, quản lý, tổ chức vận tải nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Chủ đầu tư, nhà thầu khi xây dựng, cải tạo công trình giao thông có trách nhiệm: Thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của dự án đã được phê duyệt; Áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thi công công trình. 

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị giao thông vận tải được quy định tại Điều 20, cụ thể như:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải có trách nhiệm: Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải; Áp dụng công nghệ tiên tiến; tăng cường nghiên cứu, chế tạo thiết bị, phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo và các dạng nhiên liệu thay thế khác.

- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải có trách nhiệm tuân thủ quy định về định mức tiêu thụ năng lượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Điều 21 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải, cụ thể:

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm: Áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng đối với phương tiện vận tải; Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện loại bỏ phương tiện vận tải quá thời hạn sử dụng, không đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu; Hướng dẫn doanh nghiệp vận tải hợp lý hóa hoạt động giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của phương tiện vận tải; Lập kế hoạch đầu tư, khai thác hệ thống giao thông công cộng, tăng cường sử dụng mạng lưới giao thông đường sắt, đường thuỷ kết hợp vận tải đa phương thức; Kiểm tra việc tuân thủ định mức tiêu thụ năng lượng đối với phương tiện vận tải.

Bộ Công Thương hướng dẫn cơ sở sản xuất phương tiện vận tải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng đối với phương tiện vận tải.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan công bố tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng của phương tiện vận tải và nhiên liệu thân thiện môi trường sử dụng trong giao thông vận tải.

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông vận tải tại địa phương; Tổ chức phân làn, phân luồng giao thông hợp lý; quy định giờ hoạt động của một số loại phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; Thực hiện các nhiệm vụ khác về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải được phân cấp.

b) Nghị định 21 quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (tại khoản 4, Điều 33)

- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng đối với một số loại phương tiện giao thông vận tải phù hợp với từng thời kỳ và tổ chức kiểm tra việc tuân thủ.

- Ban hành quy định về quản lý kỹ thuật, hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh vận tải xây dựng định ngạch và thực hiện công tác bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ trong quá trình khai thác, sử dụng phương tiện giao thông vận tải nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn việc quản lý sử dụng năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong hoạt động giao thông, vận tải; chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác tổ chức, điều hành hệ thống giao thông vận tải.

- Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; nghiên cứu phát triển các dạng nhiên liệu, năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống sử dụng trong giao thông vận tải.

c) Thông tư số 64 của Bộ Giao thông vận tải căn cứ Luật và Nghị định 21, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 64 quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong ngành tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể,  Bộ Giao thông vận tải quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông; biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải; quản lý chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu của phương tiện vận tải; hướng dẫn về chế độ báo cáo, thống kê sử dụng năng lượng đối với các cơ quan, doanh nghiệp ngành giao thông vận tải; và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong ngành nhằm triển khai có hiệu quả việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với lĩnh vực giao thông vận tải.

3. Quy định về dán nhãn năng lượng Việc dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị nói chung và phương tiện, thiết bị giao thông vận tải nói riêng là để người tiêu dùng phân biệt và lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng và là một tiêu chí đánh giá ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của doanh nghiệp. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 39 của Luật và Chương V Nghị định 21 về dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Ngày 12/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Theo văn bản trên, xe ôtô con (loại 7 chỗ trở xuống) thuộc đối tượng phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo hình thức bắt buộc kể từ ngày 1/1/2015.

Những văn bản đã đề cập đến ở trong bài viết này cho thấy rằng lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có đầy đủ các yếu tố để thực thi và cũng để cho thấy rằng vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được quan tâm đặc biệt và cũng là yếu tố căn bản để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Những thông tin trong bài viết này hy vọng được các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp ngành giao thông vận tải quan tâm hơn nữa để thực hiện đúng và nghiêm túc các qui định pháp luật hiện hành. Việc thực hiện tốt những quy định pháp luật nêu trên để đảm bảo cho mục tiêu bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng, thực hiện phát triển kinh tế-xã hội bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục