Quy hoạch đô thị xanh hai bờ sông Hồng: Cơ hội cho Thủ đô vươn mình

Theo quan điểm của giới chuyên gia, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng lần này là chủ trương đúng đắn bởi “Nhà nước làm, không giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào.”
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trải dài khoảng 40km. (Ảnh: Hùng Nguyễn/Vietnam+)
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trải dài khoảng 40km. (Ảnh: Hùng Nguyễn/Vietnam+)

Được kỳ vọng trở thành động lực phát triển đô thị ven sông lớn nhất cả nước, ý tưởng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã từng được các “nhà đầu tư ngoại” đề cập cách đây gần 30 năm. Nhưng vì nhiều lý do, đô thị ven sông của Thủ đô nhiều lần bị lỗi hẹn.

Từ bài học về quy hoạch có tính lịch sử trên, mới đây, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6/2021.

Theo quan điểm của giới chuyên gia, đây là quyết định đúng đắn bởi quy hoạch lần này do “Nhà nước làm, không giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào.” Trong đồ án, người đứng đầu thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo: Quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên, là đô thị xanh, không chồng tải cao ốc hai bên bờ sông.

Ngoài ra, việc hình thành con đường ven sông cũng được xem là cánh cửa rộng, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, quản lý dân cư, xây dựng điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, cải thiện chất lượng sống cho người dân Thủ đô…

Xây dựng đô thị xanh, hiện đại

Theo dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài khoảng 40km, bắt đầu từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín), bao phủ diện tích 11.000 hécta thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000-320.000 người (hiện khoảng 235.000 người).

Đề cập tới dự thảo đồ án quy hoạch trên, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng trước đây mọi người nói “Hà Nội quay lưng vào sông Hồng” nhưng với quy hoạch này “Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển.” Việc đồ án tiến sát bước được phê duyệt và ban hành là tiến bộ vượt bậc về công tác quy hoạch, cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Thời gian gần đây, để góp phần hiện thực hóa đồ án, Hà Nội đã triển khai một số công trình hạ tầng giao thông hiện đại. Trong đó, thành phố đã phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; cầu Vĩnh Tuy 2 vừa được khởi công xây dựng; một số cầu khác như Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi cũng sẽ được triển khai trong năm 2021.

Quy hoạch đô thị xanh hai bờ sông Hồng: Cơ hội cho Thủ đô vươn mình ảnh 1Nhiều khu vực đã xuất hiện các bãi tập kết cát, hàng quán ở sát ven hai bờ sông Hồng. (Ảnh: Hùng Nguyễn/Vietnam+)

"Việc đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua về chủ trương để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, tiến sát bước được phê duyệt và ban hành là tiến bộ vượt bậc về công tác quy hoạch, cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đáp ứng sự chờ đợi của người dân hàng chục năm qua," ông Huy chia sẻ.

[Ngày Quốc tế các dòng sông: Hành động ‘xanh’ cho mạch nguồn chảy mãi]

Trao đổi với báo chí bên thềm Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 11/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cũng khẳng định quan điểm phát triển đô thị hai bên sông Hồng được tiếp cận theo hướng thuận thiên, xây dựng đô thị xanh, hiện đại, không chất tải cao ốc hai bên bờ sông…

Đê sông Hồng vốn được xem là nơi bất khả xâm phạm. Đường hai bên đê được coi như đập tràn, hai đường chạy song song. Nếu xác suất 500 năm vượt quá bờ đê thì nước chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng gì đến thành phố.

Theo đồ án quy hoạch, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận thiên, nước vào rồi lại ra. Như vậy, việc quy hoạch thủy lợi tích hợp trong quy hoạch này hoàn toàn chấp hành Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Có nghĩa thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận khi xây dựng quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng lần này cũng khác. Trước đây khi thì "giao cho ông này, giao cho ông kia." Bây giờ là nhà nước làm, không giao cho một doanh nghiệp nào.

Đặc biệt, theo ông Huệ, nếu quy hoạch được thông qua và được triển khai sớm thì nó sẽ đảm bảo vấn đề sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông. Đây là một trong những điểm nghẽn lâu nay thành phố luôn muốn tháo gỡ. Cùng với đó, bộ mặt đô thị khang trang hơn và tạo được quỹ đất để phát triển. Thành phố với điểm nhấn là dòng sông ở giữa, với hành lang xanh, một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển hài hòa hai bên bờ sông…

Quyết định đúng đắn

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng chủ trương “Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp” lập quy hoạch đô thị sông Hồng là quyết định đúng đắn. 

Theo ông Tùng, ý tưởng về quy hoạch sông Hồng cũng đã từng được đề cập cách đây gần 30 năm nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng vẫn chỉ trên giấy. Một trong những cái vướng khi quy hoạch đô thị sông Hồng trước đây là vấn đề thủy văn: Sông Hồng có đặc điểm thủy văn phức tạp và dữ dội; muốn làm được thì phải xác định được cốt nước cao nhất khi có lũ ra sao, ảnh hưởng như thế nào.

Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch còn liên quan đến nhiều vấn đề khác về tư duy, tầm nhìn, cách đặt vấn đề ở từng giai đoạn lãnh đạo thành phố, khiến việc lập quy hoạch không “đến nơi đến chốn.” Đặc biệt là việc lập quy hoạch hầu như chỉ giao cho tư vấn nước ngoài hay doanh nghiệp bỏ vốn lập dưới hình thức xã hội hóa.

“Tôi rất tâm đắc với quyết định của Hà Nội lần này, đó là quy hoạch do Nhà nước làm, không giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Có thể nói, bây giờ là điều kiện chín muồi để chúng ta làm thật tốt quy hoạch có tính lịch sử này,” ông Tùng nói.

Quy hoạch đô thị xanh hai bờ sông Hồng: Cơ hội cho Thủ đô vươn mình ảnh 2Tài chở cát, vật liệu xây dựng di chuyển trên sông Hồng, Hà Nội. (Ảnh: Hùng Nguyễn/Vietnam+)

Theo ông Tùng, trong đồ án quy hoạch lần này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ là quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên (hài hòa với thiên nhiên, không đối chọi với thiên nhiên và đó là tư duy hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay), đô thị xanh, không chồng chất các cao ốc dọc sông Hồng. Đây là quyết định rất đúng đắn.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, cho biết năm 2006, lãnh đạo thành phố Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo đó, thành phố Seoul sẽ cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội xây dựng phương án quy hoạch, cải tạo và khai thác hai bên bờ sông Hồng, bao gồm việc trị thủy, khai thác sử dụng đất và bố trí tái định cư cho người dân.

Tuy nhiên, chúng ta coi phát triển đô thị không đơn thuần chỉ là phát triển không gian, mà còn những yếu tố khác về văn hóa. Đặc điểm tự nhiên của Sông Hồng cũng như văn hóa sông Hồng, văn hóa Thăng Long-Hà Nội, nơi sông Hồng chảy giữa lòng thành phố lại rất khác sông Hàn và văn hóa của Hàn Quốc.

Cách đây vài năm, có một số doanh nghiệp cũng tự nguyện đóng góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng. Tuy nhiên, để doanh nghiệp làm thì phải hiểu rằng đằng sau việc họ tài trợ sẽ là nguy cơ về “lợi ích nhóm.” Doanh nghiệp nào sẽ là người bỏ tiền ra cho không Nhà nước? Cũng không thể giao cho những người không hiểu Hà Nội, không hiểu văn hóa sông Hồng làm quy hoạch được…

Ngoài ra, theo ông Tùng, quy hoạch sông Hồng có tính chất phức tạp, liên quan đa ngành, cần tích hợp nhiều quy hoạch cấp cao. Vì vậy, đồ án không chỉ đảm bảo đầy đủ, vững chắc cơ sở pháp lý, khoa học mà còn phải đảm bảo tính khả thi và đánh giá kỹ lưỡng các tác động trong quá trình thực hiện.

“Trong quá trình quy hoạch, chỗ nào được xây dựng nhà cao tầng phải có biện pháp quản lý, không thể dày đặc như đường Tố Hữu, Lê Văn Lương. Nếu làm thế, kiến trúc hai bờ Sông Hồng sẽ trở thành bức tường. Do đó, cần ưu tiên mật độ xây dựng thấp, ưu tiên nhiều công viên, cây xanh, không gian văn hóa công cộng và cả bãi đỗ xe. Đặc biệt cần hướng tới xây dựng đô thị thông minh nhưng trước tiên phải có quy hoạch thông minh và quy hoạch đó phải phù hợp với thiên nhiên, con người và văn hóa Hà Nội,” ông Tùng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục