Ngày 12/6, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào bản quy hoạch xây dựng vùng Chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên-Tuyên Quang-Bắc Kạn, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Viện kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng cùng các cơ quan liên quan của địa phương.
Tại Hội nghị, đại diện Viện kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình bày khái quát về bản quy hoạch.
Theo bản quy hoạch, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch vùng liên tỉnh là các huyện có di tích chiến khu cách mạng ATK với quy mô rộng gần 5.880km2 gồm: huyện Định Hóa, Đại Từ và Phú Lương của tỉnh Thái Nguyên; huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang thuộc tỉnh Tuyên Quang; và huyện Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn.
Việc quy hoạch xây dựng vùng Chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh nhằm tạo mối liên kết về không gian, kết nối hạ tầng khung giữa 3 tỉnh Thái Nguyên-Tuyên Quang-Bắc Kạn để khai thác hiệu quả; đồng thời đảm bảo theo nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử cách mạng ATK. Mặt khác nhằm định hướng phát triển về không gian, kiến trúc, cảnh quan, cụm điểm di tích và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của vùng ATK.
Trên cơ sở quy hoạch, vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên-Tuyên Quang-Bắc Kạn sẽ trở thành vùng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, di tích cách mạng gắn với việc giáo dục các truyền thống đấu tranh, yêu nước của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Đồng thời, theo quy hoạch sẽ vùng phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp và các hoạt động du lịch gắn với việc phát triển các khu dân cư theo hướng bền vững là một trung tâm du lịch sinh thái-văn hóa-lịch sử cấp quốc gia; có vị trí quan trọng về an ninh-quốc phòng.
Các đại biểu dự Hội nghị cơ bản nhất trí với ý nghĩa, mục tiêu của bản quy hoạch và đề xuất một số vấn đề: cần bổ sung nội dung về vấn đề liên kết để cùng phát triển giữa ba tỉnh; việc lập quy hoạch có thể kế thừa một số dự án quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên đã được phê duyệt như Quy hoạch phát triển giao thông, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…
Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung phần thực trạng về hạ tầng giao thông cũng như phong tục tập quán văn hóa ở mỗi dân tộc, mỗi vùng miền…/.