Quỹ Tiền tệ quốc tế lên tiếng ủng hộ đồng USD

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn ngày 16/4 dự báo đồng USD sẽ vẫn là đồng tiền chủ chốt của thế giới, bởi đồng tiền này mau chóng phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn ngày 16/4 dự báo đồng USD sẽ vẫn là đồng tiền chủ chốt của thế giới, bởi đồng tiền này mau chóng phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.

Trả lời câu hỏi về hệ thống tiền tệ quốc tế tại một diễn đàn ở Washington, ông Dominique Strauss-Kahn khẳng định không có lý do gì để đồng USD không trở thành đồng tiền tham khảo trên thế giới. Vị Giám đốc này nhấn mạnh "Có nhiều lý do để tin rằng khi khủng hoảng kết thúc, chúng ta sẽ nằm trong hệ thống mà vị thế của đồng USD hầu như không thay đổi."

Theo ông, nếu hỏi các nhà kinh tế rằng cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ sẽ tác động như thế nào đối với đồng USD, họ sẽ đều nói rằng đồng nội tệ Mỹ sẽ suy sụp. Ông nhấn mạnh "Điều này đã không xảy ra. Vì vậy, các bạn có thể thấy trong những thời khắc khó khăn, mọi người vẫn tin tưởng vào tương lai của kinh tế Mỹ".

Khi được hỏi về giá trị đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, Giám đốc Strauss-Kahn nói rằng đồng tiền này được định giá "thấp hơn đáng kể" theo tính toán của IMF. Ông nói thêm rằng các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh cần phải giải quyết vấn đề của đồng NDT và tỏ ý hy vọng đồng NDT sẽ được định giá lại, nhờ việc Trung Quốc chuyển hướng tăng trưởng từ chỗ dựa vào xuất khẩu sang dựa vào nhu cầu trong nước.

Những tuyên bố trên của Giám đốc điều hành IMF được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây địa vị của đồng USD là đồng tiền dự trữ chủ chốt trong hệ thống tiền tệ quốc tế đang bị lung lay. Nhiều nước, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, đã ủng hộ đề xuất của Nga về một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới thay thế đồng USD .

"Ứng cử viên" sáng giá để thế địa vị tiền tệ dự trữ toàn cầu của đồng nội tệ Mỹ là Quyền Rút vốn đặc biệt (SRD), được IMF lập ra năm 1969. Đơn vị tiền tệ này đóng vai trò là một bộ phận trong dự trữ ngoại tệ cũng như dùng trong buôn bán và tài chính quốc tế, thường được các cơ quan và tổ chức đa phương sử dụng.

Giới chức Mỹ đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng này, đồng thời khẳng định đồng USD là "đồng tiền cực mạnh" trong một nền kinh tế mạnh nhất thế giới được củng cố bởi một hệ thống chính trị ổn định nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục