Quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp

Các ý kiến cho rằng quyền cơ bản của công dân phải là quyền tối thiểu về dân sự, chính trị, kinh tế, VH-XH mà Hiến pháp cần ghi nhận.
Ngày 8/3, tại Hà Nội, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà phổ biến về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đề nghị cán bộ, viên chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tham gia góp ý vào toàn bộ nội dung Dự thảo, tập trung vào những nội dung về: chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Qua thảo luận, đa số các ý kiến đều nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo gồm 11 Chương, 124 Điều, giảm 1 Chương, 23 Điều so với Hiến pháp 1992, vị trí của các chương, điều, khoản đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, tiến bộ hơn Hiến pháp năm 1992, tuy nhiên vẫn kế thừa được toàn bộ tư tưởng chủ đạo của Hiến pháp năm 1992.

Về chế độ chính trị, Dự thảo khẳng định thể chế của nhà nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ (Điều 1). Đa số các ý kiến đều cho rằng quy định như trên là phù hợp với tính chất của Nhà nước và phù hợp với đường lối đối nội, đối ngoại của đất nước.

Ông Trần Huy Luật, Vụ trưởng Vụ II đánh giá cao việc Dự thảo bổ sung và phát triển nguyên tắc “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2) theo tinh thần của Cương lĩnh. Đây là điểm rất mới của Dự thảo. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực.

Ông Luật cũng đề nghị Dự thảo cần quy định cụ thể hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6) mà không chỉ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như Hiến pháp năm 1992.

Liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các ý kiến đều đánh giá cao vị trí Chương II được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp năm 1992 thành Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

Cùng góp ý vào Chương II, bà Đào Hương Mai, chuyên viên Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho rằng, Dự thảo quy định về quyền con người và quyền công dân còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước. Mặt khác, quyền cơ bản của công dân phải là các quyền tối thiểu về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội mà Hiến pháp cần ghi nhận cho công dân phù hợp với điều kiện đất nước. Những quyền, nghĩa vụ nào không phải là cơ bản thì không cần quy định ở Hiến pháp mà để luật quy định.

Góp ý vào Chương VI, qua thảo luận, các ý kiến đều cho rằng Dự thảo tiếp tục giữ các quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Góp ý vào Điều 75, Ông Nguyễn Ngọc Hấn, Chánh Thanh tra Ban Thi đua-Khen thưởng đề nghị nên bổ sung giải thưởng Hồ Chí Minh vào giải thưởng Nhà nước, do Chủ tịch nước quyết định.

Về ngôn ngữ diễn đạt và kỹ thuật xây dựng các quy định của Dự thảo Hiến pháp, ông Lê Văn Vũ, Chánh Văn phòng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho rằng Dự thảo Hiến pháp phù hợp với bản chất của Nhà nước. Tuy nhiên, cách diễn đạt từ ngữ tại một số điều chưa thực sự rõ ràng, có nhiều từ ngữ sử dụng chưa thống nhất, một số chương nên viết gọn lại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục