Ra mắt nhật ký chiến trường của một thầy giáo thương binh

Đây là tập nhật ký thời chiến đầu tiên trong tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” mà tác giả là một thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên,” tạm biệt học trò lên đường ra trận trong kháng chiến chống Mỹ.
Ra mắt nhật ký chiến trường của một thầy giáo thương binh ảnh 1Bìa cuốn nhật ký Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng.

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên, Câu lạc bộ Trái tim người lính và tác giả Đinh Đức Lâm tổ chức giới thiệu cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng.”

Đây là tập nhật ký thời chiến đầu tiên trong tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” mà tác giả là một thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên,” giã từ phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò để lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuốn nhật ký chiến trường “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” của nhà giáo thương binh Đinh Đức Lâm ghi chép từ ngày 21/7/1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3/3/1973.

Cuốn sách được chia làm 12 phần "Những đêm cõng bạn lạc rừng;" "Đến lượt tôi bị thương và lại bị lạc rừng như thế;" "Những ngày nằm Viện K24 miền Đông Nam Bộ;" "Kỷ niệm những ngày đơn vị An dưỡng 32C Công Pông Chàm;" "Chuẩn bị hành quân ra Bắc;" "Trạm tập kết thương binh C20;" "Đồng đội cũ ở Bãi Khách biên giới Campuchia-Lào;" "Những cuộc gặp gỡ bất ngờ với bạn học cũ, thầy và trò;" "Lên xe và xuống xe;" "Nhớ mãi nụ cười, ánh mắt ở Bố Trạch-Quảng Bình;"Những ngày ở Đoàn An dưỡng 581 Quân khu Hữu Ngạn-Nam Hà;" "Tôi trở về quê hương với tình yêu và tình bạn."

Qua những trang nhật ký của Đinh Đức Lâm, công chúng có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sỹ Giải phóng quân được cứu chữa và chăm sóc chu đáo như thế nào nếu không may bị thương.

[Nhật ký thời chiến - Di sản quý các Anh hùng để lại cho thế hệ sau]

Đặc biệt, nửa sau của nhật ký mô tả rất rõ chặng đường hành quân từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc... Trong cuốn nhật ký này, thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm chủ yếu thể hiện nhật ký bằng văn xuôi. Ở một số phần nhỏ phía cuối sách xuất hiện một số bài thơ được người biên soạn đăng theo vị trí và thứ tự như tác giả đã trình bày.

Đăc biệt, cuối cuốn sách có phần phụ lục mang tựa đề "Một liệt sỹ sống lại" - tự truyện của cựu tù binh Đinh Khắc Khâm, anh trai cả của tác giả Đinh Đức Lâm.

Ông Đinh Khắc Khâm đã có giấy báo tử của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng ghi ngày 3/2/1972 và chính quyền địa phương cũng đã làm lễ truy điệu. Nhưng thực tế là ông Đinh Đắc Khâm bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, rồi bị địch bắt làm tù binh.

Ông Khâm đã bị địch giam giữ 5 năm 7 tháng, tổng cộng là 2.049 ngày, phần lớn là ở Trại tù binh Phú Quốc. Đầu năm 1973, tù binh Đinh Đắc Khâm đã được chính quyền Sài Gòn trao trả theo Hiệp định Paris.

Nhà văn Đặng Vương Hưng, người biên soạn cuốn nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” chia sẻ nếu như ở những tác phẩm nhật ký thời chiến đã biên soạn trước đây, hầu hết là sự mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sỹ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường miền Nam, thì đến nhật ký của thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm lại mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc!

Cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” là món quà ý nghĩa, ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và tác giả Đinh Đức Lâm (nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) tròn 75 tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục