Tiếp nhận bản dịch tiếng Anh đầu tiên Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tiếp nhận bản gốc dịch tiếng Anh đầu tiên cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm do nhà văn Đặng Vương Hưng trao tặng.
Tiếp nhận bản dịch tiếng Anh đầu tiên Nhật ký Đặng Thùy Trâm ảnh 1Khách thăm quan khu Di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Minh Đức/ TTXVN)

Ngày 11/5, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức lễ tiếp nhận tư liệu “Bản gốc dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm,” giới thiệu sách “Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam”“Phi công Mỹ ở Việt Nam” do Đại tá-nhà văn Đặng Vương Hưng trao tặng.

“Bản gốc dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do vợ chồng ông Carl W.Greifzu - cựu binh trong chiến tranh Việt Nam , người giữ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm từ tháng 9/1971 dịch sang tiếng Anh hơn 30 năm trước.

Trong lần sang thăm Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, ông Carl W.Greifzu đã trao lại cho Đại tá-nhà văn Đặng Vương Hưng. Nhờ bản dịch 121 trang này, các cựu binh Mỹ đã hiểu được giá trị, ý nghĩa của cuốn nhật ký, hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và họ đã quyết định tìm mọi cách trao trả cho gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.

Sau khi về Việt Nam, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được in với số lượng hàng trăm ngàn bản, gây chấn động xã hội, trở thành một sự kiện nổi bật được dư luận trong và ngoài nước biết đến.

Trong “Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam,” những bức thư của các chiến sỹ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gửi cho thân nhân của mình và ngược lại đã được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu.

Ngoài ra, để làm cho tác phẩm nhân văn và đầy đủ hơn, cuốn sách còn in cả thư của những người lính thuộc “phía bên kia” gửi về nước cho người thân.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: “Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam” được in trên cơ sở tổng hợp và bổ sung từ hai tập sách in năm 2005. Qua Tuyển tập này, người đọc có thể hình dung được phần nào cảnh sống, sinh hoạt của những người dân khu Bốn - vùng tuyến lửa nói riêng và miền Bắc nói chung trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Song, bao trùm và xuyên suốt cuốn sách vẫn là tấm lòng yêu thương, nỗi nhớ mong tha thiết của người lính đối với gia đình, Tổ quốc, vẫn là ước vọng hòa bình, đoàn tụ…

Đối với tác phẩm “Phi công Mỹ ở Việt Nam,” trên tinh thần tôn trọng sự thật của lịch sử, tác giả Đặng Vương Hưng muốn mang đến một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía, góp phần làm sáng tỏ cho những bí ẩn của lịch sử.

Cuốn sách là những câu chuyện còn ít biết về tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam, những chi tiết đời thường thú vị nhưng mang đậm tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đến An Giang chiêm ngưỡng hiện vật văn hoá Óc Eo

Đến An Giang chiêm ngưỡng hiện vật văn hoá Óc Eo

Di tích Quốc gia Óc Eo, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, là nơi lưu giữ những dấu tích của một nền văn hóa khảo cổ quan trọng bậc nhất ở Đồng bằng Nam Bộ, cách đây 2.000 năm.

Di tich Đền Quán Thánh, xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Hà Nội: Phát hiện thêm 567 di tích sau kiểm kê

Sau khi bổ sung, tổng số di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện là 6.489 di tích; các địa phương có nhiều di tích được đưa vào danh mục kiểm kê là Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín...