Trong báo cáo mới công bố ngày 9/2, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã cảnh báo hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới Great Barrier ở bang Queensland, Australia, có thể bị tàn phá nghiêm trọng nếu chính phủ nước này không chấm dứt hoàn toàn hoạt động xả chất thải nạo vét xuống vùng biển quanh đó.
Báo cáo trên cho biết việc Australia mở rộng cảng than ở bờ biển bang Queensland, trong đó thể tích đáy đại dương bị đào xới có thể lên đến 51 triệu mét khối, sẽ gây những tác động nghiêm trọng lên rạn san hô được xếp vào nhóm 7 kỳ quan thế giới này.
Chất thải nạo vét được xả xuống biển sẽ bít kín các dải san hô và tảo biển, gây phơi nhiễm độc tố và gia tăng nồng độ của một số chất dẫn đến mất cân bằng sinh thái.
Trong khi đó, theo Công ty Tư vấn phát triển toàn cầu Dalberg, việc mở rộng các cảng than là không cần thiết, do các cảng than hiện nay không hoạt động hết công suất.
Tình hình của Rạn san hô Great Barrier đã và đang được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) theo dõi chặt chẽ.
UNESCO cảnh cáo sẽ đưa kỳ quan này vào danh sách các di sản thế giới đứng trước nguy hiểm, song đã hoãn đưa ra hành động để chờ một báo cáo của Australia về phương án bảo vệ quần thể sinh thái tại đây.
Tháng Một vừa qua, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh cấm xả chất thải nạo vét xuống khu vực công viên hải dương quanh rạn san hô, tuy nhiên lệnh trên không áp dụng với hầu hết các đảo và hải cảng cũng như các vùng hồ và kênh lạch khác nằm trong vùng biển này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Australia Greg Hunt khẳng định nỗ lực bảo vệ rạn san hô của chính phủ nước này đã đạt tiến triển đáng kể, theo đó một trong các biện pháp của chính quyền bang Queensland là cấm xả chất thải ra bên ngoài các khu vực cảng trong vòng 1 thập kỷ./.