UNDP: Đa dạng sinh học là tài sản vô giá của loài người

Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark khẳng định đa dạng sinh học là tài sản vô giá của loài người, ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn phát triển.
UNDP: Đa dạng sinh học là tài sản vô giá của loài người ảnh 1Rạn san hô Great Barrier Reef ngày 2/10/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ban Thư ký Liên hợp quốc thông báo ngày 15/10, tại thành phố Pyeongchang, Hàn Quốc, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức hội nghị lần thứ 12 các nước thành viên Công ước quốc tế về đa dạng sinh học, với sự tham dự của đông đảo đại diện các quốc gia thành viên công ước trên và các nhà khoa học về môi trường.

Theo phóng viên TTXVN tại trụ sở Liên hợp quốc, phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark khẳng định đa dạng sinh học là tài sản vô giá của loài người ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn phát triển. Sự tồn tại của mỗi con người và cuộc sống bình yên, có chất lượng cao của toàn nhân loại phụ thuộc rất nhiều vào sự đa dạng sinh học trên Trái đất.

Nếu tài sản vô giá ấy bị suy giảm hoặc mất đi, chắc chắn nó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường không chỉ về môi trường sống, mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, vật nuôi, sản lượng cây trồng và nguồn nước...

Bà Helen Clark khẳng định công cuộc bảo vệ sự đa dạng sinh học có vai trò to lớn trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), đồng thời có vị trí quan trọng trong Chương trình Nghị sự Phát triển sau năm 2015 do Đại hội đồng Liên hợp quốc soạn thảo.

Sau lễ khai mạc, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đánh giá những kết quả đầu tiên trong quá trình thực hiện 20 mục tiêu, kéo dài đến năm 2050, liên quan tới việc bảo vệ đa dạng sinh học, được thông qua tại hội nghị lần trước. Trong số những mục tiêu này, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng hoặc thoái hóa của một số hệ động, thực vật.

Nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại trước thực tế ngày càng có nhiều loài chim, động vật có vú và lớp lưỡng cư đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo các đại biểu, không chỉ động vật hoang dã, ngay cả vật nuôi cũng đang giảm dần sự đa dạng về chủng loài, nòi giống, trong đó có tới 22% các loài vật nuôi đang có nguy cơ không được các thế hệ con người mai sau biết đến.

Các đại biểu tham dự hội nghị Pyeongchang có chung nhận định rằng ngoài yếu tố con người, hiện tượng biến đổi khí hậu đã tác động sâu sắc đến sự suy giảm đa dạng sinh học, và kêu gọi các quốc gia, các cộng đồng dân cư và tất cả mọi người cùng chung tay hành động để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vì một môi trường trong lành, thân thiện, bởi đó chính là lợi ích của các thế hệ con người hiện nay và mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục