Rạng Đông chính thức trở thành chiến hạm số 1 của Nga

Rạng Đông chính thức thành chiến hạm số 1 của Nga

Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định đưa Rạng Đông trở lại thành phần Hải quân và chính thức trở thành chiến hạm số 1 của nước này.
Trong những ngày này, tuần dương hạm huyền thoại mang tên Rạng Đông (Aurora) của Nga đánh dấu 110 năm ngày được đưa vào thành phần hạm đội tàu chiến của nước này (ngày 29/7/1903).

Nhân dịp này, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định đưa Rạng Đông trở lại thành phần Hải quân và chính thức trở thành chiến hạm số 1 của Nga.

Cũng nhân dịp này, người dân cố đô St. Petersburg và du khách đến tham quan chiến hạm Rạng Đông - hiện là một chi nhánh của Bảo tàng Hải quân Trung ương, được vào cả những nơi mà ngày thường không được phép vào, ví dụ như khoang lái.

Rạng Đông còn được nhận món quà sinh nhật đầy ý nghĩa - đó là việc Nga sẽ phục chế chiến hạm sau khi dự án phục chế chính thức được thông qua.

Dự kiến, đến mùa Thu tới, tuần dương hạm sẽ được đưa đến nhà máy đóng tàu St. Petersburg để phục chế với chi phí ước tính lên đến hơn 30 triệu USD.

Chiến hạm Rạng Đông đã tham gia trận đánh đầu tiên trong giai đoạn chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905).

Khi đó, mặc dù bị trúng đạn 18 lần, 99 thủy thủ thiệt mạng và bị thương, song Rạng Đông đã vượt qua vòng vây của tàu chiến Nhật Bản để đến Philippines, sau đó tới Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), chuyến đi đầu tiên của chiến hạm đến Việt Nam, và cuối cùng quay về nước Nga.

Ngoài ra, Rạng Đông còn tham gia chiến đấu ở Baltic trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Đặc biệt, Rạng Đông đã đi vào lịch sử nước Nga và nhân loại khi nổ phát súng đầu tiên vào tháng 10/1917, phát tín hiệu bắt đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang tháng 10 và tấn công Cung điện Mùa Đông.

Sau Cách mạng Tháng 10, tuần dương hạm đã được sử dụng với tư cách là tàu huấn luyện, đồng thời tham chiến trong cuộc chiến chống phát xít Đức ở ngoại ô Leningrad.

Từ năm 1948, chiến hạm Rạng Đông được neo đậu trên sông Neva ở St. Petersburg và trở thành một chi nhánh của Bảo tàng Hải quân Trung ương.

Trong sổ lưu niệm của tàu có lưu bút của các nhà lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và nhiều nhà lãnh đạo khác./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục