RBC: Kinh tế Canada sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023

Người dân Canada cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc - hiện ở mức thấp kỷ lục 5,1% - sẽ tăng lên mức khoảng 6,6%, theo ước tính RBC.
RBC: Kinh tế Canada sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 ảnh 1Hàng hóa được bày bán tại một khu chợ ở Toronto, Canada ngày 22/6. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Hoàng gia Canada (Royal Bank of Canada - RBC) cảnh báo nền kinh tế Canada sẽ rơi vào tình trạng suy thoái ở mức độ “vừa phải" và "ngắn hạn” vào năm 2023, khi phải đối phó với lãi suất tăng và lạm phát cao.

Đợt suy thoái kinh tế này sẽ không nghiêm trọng như các cuộc suy thoái trước đây, nhưng người tiêu dùng sẽ rút lại chi tiêu khi phải đối mặt với mức tăng giá mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, chi phí đi vay cao hơn và của cải hao hụt, xuất phát từ sự suy yếu của thị trường nhà đất, RBC dự báo.

Người dân Canada cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc - hiện ở mức thấp kỷ lục 5,1% - sẽ tăng lên mức khoảng 6,6%, theo ước tính RBC.

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) và các ngân hàng toàn cầu đang trong lộ trình mạnh tay tăng lãi suất nhằm kiềm chế nhu cầu và giảm lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Canada đã vọt lên 7,7% vào tháng 5/2022, mức cao nhất kể từ năm 1983.

Các chuyên gia phân tích tài chính dự đoán BoC sang tuần tới sẽ tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2,25%.

[Thể trạng của nền kinh tế Canada bất ngờ suy yếu]

Các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại rằng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán và hạ giá hàng hóa, chẳng hạn như dầu thô. RBC là ngân hàng lớn đầu tiên của Canada dự đoán quốc gia Bắc Mỹ này sẽ rơi vào suy thoái trong thời gian tới.

Trong một báo cáo hồi tháng 4 vừa qua, RBC nhận định rằng nền kinh tế Canada sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 3,2% vào năm 2023, sau khi điều chỉnh theo lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế Nathan Janzen và Claire Fan của RBC lưu ý rằng lãi suất cao hơn là "cần thiết để chế ngự lạm phát" và suy thoái có thể được đảo ngược khi lạm phát lắng xuống đủ để các ngân hàng trung ương lại giảm lãi suất.

Trong một diễn biến đáng chú ý, thặng dư thương mại của Canada với các nước khác trong tháng 5/2022 đã tăng lên mức cao nhất của 14 năm là 5,3 tỷ CAD (4,1 tỷ USD), cao hơn nhiều so với con số dự báo của các nhà phân tích là 2,4 tỷ CAD.

Nguồn cung dầu hạn chế, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kết hợp với nhu cầu bùng nổ khi các nền kinh tế nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đã khiến giá năng lượng tăng.

Kim ngạch xuất khẩu năng lượng trong tháng 5/2022 của Canada đã tăng lên 20,4 tỷ CAD, đóng góp tới 29,8% (mức cao kỷ lục) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Thặng dư thương mại cũng được "trợ giúp" bởi các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn như linh kiện máy bay và potash (hợp chất có chứa kali, được sử dụng chủ yếu trong sản xuất phân bón).

Giá dầu toàn cầu cao đang đẩy hóa đơn mua xăng của người tiêu dùng tăng, nhưng giá dầu cao đóng vai trò là động lực thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada.

Giá thực phẩm tăng vọt khiến người dân phải trả nhiều tiền cho hàng tạp hóa, nhưng lại đang thúc đẩy doanh thu của ngành nông nghiệp khổng lồ của quốc gia Bắc Mỹ này. Canada nắm giữ nhiều thế mạnh về một số mặt hàng đang khan hiếm trên toàn cầu hiện nay, như dầu mỏ và nông sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục