Các robot trên khắp thế giới đang tranh tài trong Cuộc thi Hệ thống ứng phó thách thức ngầm, do cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ tổ chức tại thành phố Pittsburgh, với nội dung đào các đường hầm dưới thành phố.
Cuộc thi khai mạc ngày 15/8, có 11 đội tham gia tranh tài. Mục đích của cuộc thi là nhằm phát triển công nghệ cho lực lượng cứu hộ đến hiện trường đầu tiên và quân đội phác thảo bản đồ, định vị và tìm kiếm dưới mặt đất.
Công nghệ được phát triển trong cuộc thi cũng sẽ đặt nền móng cho các nhiệm vụ trong tương lai của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tại các hang và đường ống dung nham trên các hành tinh khác.
Địa điểm thi đấu là một hầm mỏ thuộc quản lý của Viện nghiên cứu Chương trình An toàn lao động và sức khỏe trong lĩnh vực khai thác mỏ quốc gia.
Đội tranh tài thuộc Phòng nghiên cứu phản lực (JPL) của NASA tham dự cuộc thi với các xe tự hành, máy bay không người lái và robot biết leo trèo.
[Trung Quốc: Sử dụng các robot nhằm hỗ trợ cảnh sát giao thông]
Giám đốc văn phòng hoạch định chiến lược của JPL Leon Alkalai khẳng định việc đầu tư vào cuộc thi chính là đầu tư vào tương lai của NASA, bởi thách thức tiếp theo của cơ quan này chính là khám phá trong lòng đất.
JPL đã hợp tác với Caltech, Viện Nghiên cứu Công nghệ Massachusetts và Viện Nghiên cứu Khoa học tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) để thành lập đội Hệ thống Robot tự động phối hợp ngầm (CoSTAR).
Do địa hình phức tạp trong các đường hầm mỏ, nhóm CoSTAR với 60 thành viên đã chọn sử dụng một số robot chuyên dụng, thay vì chỉ một robot.
Nhóm robot này phối hợp để vẽ bản đồ cá lối đi, định vị bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo và xác định các vật thể trên đường đi.
Theo DARPA, các nhóm tranh tài trong trận chung kết có cơ hội giành được tới 2 triệu USD tài trợ./.