Cuốn sách “Việt Nam diệu kỳ” của Tiến sỹ Pavel Suian được giới thiệu tại Romania mới đây đã mang đến cho độc giả bức tranh toàn diện về Việt Nam, được đánh giá là tư liệu quý giá đối với những người quan tâm đến Việt Nam tại đất nước Đông Âu này.
Tiến sỹ Suian - chính trị gia và giáo sư đại học đã nghỉ hưu - chia sẻ ông viết cuốn sách này trước hết vì ngưỡng mộ lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam, khâm phục chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng quả cảm của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc.
Qua cuốn sách này, ông cũng muốn cho bạn bè Romania và nhân dân thế giới hiểu rõ về đất nước, con người Việt Nam.
Những thông tin trong cuốn sách được Tiến sỹ Suian dày công nghiên cứu, tích lũy và cập nhật, mang tính thời sự.
Cuốn sách dày 566 trang bằng tiếng Romania, gồm 11 chương, cung cấp các thông tin từ cơ bản đến những phân tích chuyên sâu về đất nước, con người, lịch sử và các giá trị văn hóa của Việt Nam, về những chiến công quả cảm của quân và dân Việt Nam trong quá khứ cũng như những thành công to lớn về kinh tế-xã hội, chính trị, ngoại giao, hội nhập quốc tế trong thời đại ngày nay.
Đáng chú ý, trong Chương 5 và 6 của cuốn sách, tác giả Suian đã cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của ông về chính sách đối ngoại hiện nay, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, đồng thời bày tỏ sự khâm phục trước đường lối xử lý của Việt Nam.
Chương 5 “Chính sách đối ngoại” (từ trang 253-322) viết về đường lối đối ngoại được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó, tác giả nhấn mạnh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Đánh giá chính sách đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam đã phát triển cả về thực chất, quy mô, chất lượng và hiệu quả, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được củng cố trên trường quốc tế.
Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng tham gia, tổ chức các diễn đàn, hội nghị quốc tế lớn.
Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, tham gia nhiều diễn đàn đa phương, song phương, ký kết nhiều hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Tiến sỹ Suian cũng nêu bật thành tựu, chính sách đối ngoại tài tình, khéo léo, linh hoạt của Việt Nam trong tiến trình phá vỡ thế bao vây, cấm vận, duy trì và phát triển quan hệ với một số đối tác chính là các cường quốc (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp), các nước láng giềng (Campuchia, Lào), qua đó góp phần đảm bảo ổn định về chính trị, xã hội, phát triển vượt bậc về kinh tế.
[Học giả Canada: Việt Nam có được nhiều thành tựu sau 48 năm thống nhất]
Trong Chương 6 “Xung đột quốc tế liên quan hoạt động phân định những vùng biển thuộc các quốc gia ven Biển Đông” (từ trang 323-427), tác giả ủng hộ và đánh giá cao quan điểm của Việt Nam về giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); nhấn mạnh các bằng chứng và cơ sở pháp lý đầy đủ của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như và sự vai trò cần thiết của cộng đồng quốc tế trong quá trình góp phần đảm bảo an toàn, tự do hàng hải trong khu vực.
Ngoài những những giá trị về thông tin, cuốn sách còn chứa đựng tình cảm chân thành của nhà nghiên cứu Romania dành cho đất nước và con người Việt Nam như chính lời kết của ông trong cuốn sách: “Tôi tin tưởng vào lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, trí thông minh bản địa, sự siêng năng, tham vọng, ý chí, sự kiên trì, tình yêu tự do, phẩm giá dân tộc và thành tựu kinh tế phi thường trong những năm gần đây.”
Thông qua cuốn sách, Tiến sỹ Suian khẳng định Việt Nam là một tấm gương tuyệt vời và mong muốn các quốc gia, dân tộc khác học hỏi./.