Rủi ro đầu tư dưới chính sách thịnh vượng chung của Trung Quốc

Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc khởi động nhiều biện pháp chống độc quyền mạnh mẽ, thái độ và cam kết của các ông lớn công nghệ với chính sách thịnh vượng chung chủ yếu là tính toán về kinh doanh.
Rủi ro đầu tư dưới chính sách thịnh vượng chung của Trung Quốc ảnh 1Trụ sở của Alibaba tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, khi các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc chưa kịp "hồi phục" sau "cơn bão" chống độc quyền, thì nay lại đối diện với sức ép quyên góp khổng lồ và tăng thuế.

Ngày 17/8, tại hội nghị Ủy ban tài chính và kinh tế trung ương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, phải xử lý chính xác mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng, thúc đẩy thịnh vượng chung trong quá trình phát triển chất lượng cao, đồng thời xây dựng chế độ cơ bản để điều phối đồng bộ việc phân phối lần đầu, tái phân phối và phân phối lần ba.

Cái gọi phân phối lần đầu là việc thị trường phân phối theo nguyên tắc hiệu quả; tái phân phối là do chính phủ dựa vào nguyên tắc công bằng, thông qua thu thuế, an sinh xã hội và thanh toán chuyển nhượng để phân phối lần hai; phân phối lần ba là phân phối của cải được thực hiện thông qua quyên góp tự nguyện.

Các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc lần lượt hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình, cam kết các khoản quyên góp khổng lồ.

Một ngày sau khi diễn ra hội nghị của Ủy ban tài chính và kinh tế trung ương, tập đoàn công nghệ Tencent bổ sung thêm 50 tỷ nhân dân tệ, tổng cộng đầu tư 100 tỷ NDT để thúc đẩy thịnh vượng chung.

Nền tảng mua sắm trực tuyến giá rẻ Pinduoduo cũng cam kết quyên góp 10 tỷ NDT để thành lập “Quỹ đặc biệt về nghiên cứu nông nghiệp” khi công bố kết quả kinh doanh. Ngày 3/9, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cho biết sẽ đầu tư 100 tỷ NDT trước năm 2025 để ủng hộ chính sách thịnh vượng chung của chính phủ.

Động thái của các doanh nghiệp

Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc khởi động nhiều biện pháp chống độc quyền mạnh mẽ, thái độ và cam kết của các ông lớn công nghệ đối với chính sách thịnh vượng chung chỉ yếu là do những tính toán về kinh doanh.

Ngoài ra, việc xây dựng “chế độ cơ bản” của thịnh vượng chung nghĩa là nguồn vốn độc quyền có thể đối diện với rủi ro giám sát nhiều hơn, đặc biệt là những doanh nghiệp công nghệ và Internet đứng ở “đầu sóng ngọn gió.”

Cơn bão chống độc quyền của Trung Quốc bắt đầu từ cuối năm 2020. Đầu tháng 11/2020, các cơ quan quản lý giám sát Trung Quốc đình chỉ kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group - công ty tài chính thuộc Alibaba.

Tháng 4/2021, Tổng Cục giám sát và quản lý thị trường Trung Quốc viện dẫn “Luật chống độc quyền” đưa ra quyết định xử phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ  đối với Alibaba. Khi đó một số nhà nhân tích cho rằng, sau khi Alibaba nộp khoản tiền phạt khổng lồ này thì mọi việc sẽ kết thúc, Ant Group có thể khởi động lại kế hoạch niêm yết.

[Gặp khó sân nhà, đại gia công nghệ Trung Quốc nhắm đến thị trường ĐNA]

Tuy nhiên, sức ép quản lý giám sát tiếp tục gia tăng. Các cơ quan quản lý đã mở rộng từ chống độc quyền sang điều tra an ninh mạng và ngăn chặn việc tăng vốn mất trật tự.

Chỉ trong vòng 48 tiếng ngắn ngủi sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, ứng dụng đặt xe trực tuyến Didi Chuxing đã bị cấm tiếp nhận khách hàng mới đăng ký để bảo vệ an ninh dữ liệu của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thông qua hình thức đầu tư hoặc mua bán và sáp nhập (M&A) để có được quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp khác cũng phải báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn việc mở rộng vốn thiếu trật tự.

Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc quy định các doanh nghiệp trong lĩnh vực dạy thêm thống nhất đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trực tuyến chỉ được cung cấp dịch vụ 1 tiếng cho trẻ vị thành niên từ 8-9 giờ ngày thứ Sáu, cuối tuần và các ngày lễ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, gần đây khi Tòa án tối cao đưa ra phán quyết trong một vụ án đã nhấn mạnh, chế độ làm việc 996 (mỗi tuần làm việc 6 ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối) mà các công ty công nghệ và Internet áp dụng phổ biến là vi phạm Luật Lao động.

Một loạt biện pháp giám sát nói trên cho dù là dựa trên cơ sở chống độc quyền hay cân nhắc chính sách xã hội đều sẽ kìm hãm các công ty công nghệ, Internet và kinh tế nền tảng, từ đó bóp nghẹt lợi nhuận của khu vực này.

Sau khi nộp phạt vào tháng 4/2021, báo cáo tài chính quý IV/2020 của Alibaba ghi nhận thua lỗ; đây là quý lỗ đầu tiên kể từ khi tập đoàn này niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Pinduoduo khi tuyên bố đầu tư 10 tỷ NDT để hưởng ứng lời kêu gọi của chính sách thịnh vượng chung đã nhấn mạnh rằng điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngắn hạn của cổ đông.

Ngoài ra, gần đây khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh, công ty cung cấp dịch vụ giao hàng Meituan cũng cảnh báo họ có thể sẽ bị các cơ quan quản lý xử phạt với số tiền lớn.

Bên cạnh xử phạt và quyên góp số tiền lớn, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin cho rằng các cơ quan quản lý đang kiểm tra chính sách ưu đãi thuế của “các doanh nghiệp phần mềm then chốt.”

Theo chính sách thuế hiện hành, mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, nhưng mức thuế của những chủ thể đủ điều kiện doanh nghiệp phần mềm trọng điểm quốc gia chỉ là 10%.

Gần đây Alibaba đã thông báo với các nhà đầu tư trong một cuộc họp trực tuyến rằng, thời kỳ được hưởng ưu đãi giảm thuế của ngành công nghiệp Internet có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Điều này có nghĩa là các công ty công nghệ và Internet cần phải đóng thuế cao hơn.

Tencent và Alibaba lần lượt được thành lập vào năm 1998 và 1999, hiện nay đã phát triển thành những “người khổng lồ”, đồng thời nắm vai trò chủ đạo đối với toàn bộ hệ sinh thái thanh toán. Giá trị thị trường của hai gã khổng lồ này đã vượt xa 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc.

Số lượng người tiêu dùng trên toàn cầu hàng năm của Alibaba đạt 1,18 tỷ người, trong đó 912 triệu người từ thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, dịch vụ viễn thông và giao tiếp xã hội của Tencent cũng đã kết nối với hơn 1 tỷ người trên thế giới.

Giá cổ phiếu của Alibaba và Tencent gần đây giảm mạnh do tác động từ các biện pháp quản lý giám sát, điều này đã thu hút không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tranh thủ cơ hội giá thấp để mua cổ phiếu của những doanh nghiệp dường như “quá lớn đến mức không thể sụp đổ” này với mục đích đầu tư dài hạn.

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China giảm gần 25%

Rõ ràng, chính vì những doanh nghiệp này đã phát triển đến giai đoạn quá lớn không thể sụp đổ, đồng thời kiểm soát một lượng lớn dữ liệu khách hàng nên sẽ vào “tầm ngắm” của các cơ quan giám sát. Điều này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc, mà Mỹ cũng đặc biệt quan tâm đến sự độc quyền của các "ông lớn" công nghệ và lượng dữ liệu khổng lồ mà những công ty này nắm giữ.

Các biện pháp quản lý do Chính phủ Trung Quốc dồn dập ban hành đã ảnh hưởng đến việc định giá các "cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc" (các cổ phiếu được đăng ký và niêm yết ở nước ngoài, nhưng quyền kiểm soát lớn nhất lại thuộc về doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân ở Trung Quốc), đồng thời làm lung lay lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu khái niệm Trung Quốc.

Gần đây, các nhà phân tích và quản lý quỹ của Mỹ đã sử dụng thuật ngữ “không thể đầu tư” để mô tả cổ phiếu khái niệm Trung Quốc. Nguyên nhân là các biện pháp quản lý giám sát và phương hướng không rõ ràng khiến cho họ không thể định giá đối với cổ phiếu khái niệm Trung Quốc.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số Nasdaq Golden Dragon China phản ánh hiệu quả của các cổ phiếu khái niệm Trung Quốc ở Mỹ đã giảm gần 25%.

Các biện pháp quản lý của Chính phủ Trung Quốc mở rộng từ doanh nghiệp công nghệ sang ngành giáo dục, rồi đến giải trí, hơn nữa chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc đưa ra chính sách thịnh vượng chung đồng nghĩa với việc các biện pháp quản lý giám sát có thể sẽ lan rộng sang nhiều ngành nghề hơn, nhất là những lĩnh vực liên quan đến dân sinh, bao gồm y tế và bất động sản.

Ngoài ra, sự quan tâm của Chính phủ Trung Quốc đối với vấn đề độc quyền vốn và an ninh dữ liệu cũng có thể thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò chủ đạo lớn. Cường độ của các biện pháp quản lý giám sát không ngừng gia tăng và tính không xác định sẽ tiếp tục tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục