Rút ngắn thời gian lưu trữ hàng tạm nhập tái xuất

Theo Bộ Tài chính, quy định về hàng tạm nhập tái xuất sẽ có nhiều thay đổi, trong đó, thời gian lưu giữ rút ngắn chỉ còn 30 ngày.
Hàng tạm nhập tái xuất sẽ chỉ được lưu giữ tại Việt Nam 30 ngày thay vì 120 ngày như hiện hành. Ngoài ra, các mặt hàng này sẽ không được gia hạn thời gian lưu tại Việt Nam.

Đây là một vài hướng sửa đổi với quy định về hàng tạm nhập tái xuất mà Bộ Tài chính vừa yêu cầu các đơn vị chức năng tiến hành rà soát và đề xuất cụ thể lên Bộ.
Cụ thể hơn, kiến nghị không cho phép chuyển loại hình kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa đối với nhóm mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt cao và hàng tạm nhập tái xuất theo giấy phép của Bộ Công Thương.

Hàng tạm nhập tái xuất chỉ được làm thủ tục tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính hoặc các cửa khẩu khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Những kiến nghị này sẽ phải gửi về Bộ Tài chính trong tháng 9/2012.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chức năng sẽ tiến hành sửa ngay Quyết định số 209 ngày 29/1/2011 về quy trình nghiệp vụ quản lý hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng thống nhất việc xác nhận “hàng hóa đã xuất khẩu” giữa thủ tục hải quan truyền thống và hải quan điện tử.

Quy định mới cũng sẽ hướng tới việc quy định rõ trách nhiệm thông tin hàng tạm nhập, tái xuất giữa hải quan cửa khẩu tạm nhập và cửa khẩu tái xuất. Cụ thể, các đơn vị phải xây dựng xong hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ giúp hồi báo thông tin giữa các cơ quan hải quan trước ngày 30/12/2012.

Bộ Tài chính cho biết sẽ quy định rõ, cụ thể trách nhiệm cá nhân nhất là trách nhiệm người quản lý trong từng khâu của quy trình thủ tục hải quan.

Ngoài quyết định 209, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị chức năng đề xuất hướng sửa đổi một loạt thông tư về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất trước ngày 30/9.

Những thông tư này sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ thời điểm, điều kiện đăng ký tờ khai hay quy định hàng tạm nhập, tái xuất phải khai tờ khai trị giá khi tạm nhập.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phải tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất có dấu hiệu rủi ro, có tờ khai chưa thanh khoản quá hạn.

Các đơn vị trên cũng được yêu kiểm tra và truy thu thuế đầy đủ với các trường hợp tạm nhập, tái xuất quá hạn chưa thanh khoản và báo cáo trước ngày 15/12./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục