Sa Pa cần giải pháp tổng thể để phát triển du lịch Xanh và bền vững

Sa Pa cần giải pháp tổng thể, đồng bộ, định hướng lớn mới có thể theo đuổi con đường phát triển Xanh bền vững, và trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Đàn tính cùng bàn then là một trong những nét đẹp văn hóa của người Tày còn được bảo tồn và phát triển ở Sa Pa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đàn tính cùng bàn then là một trong những nét đẹp văn hóa của người Tày còn được bảo tồn và phát triển ở Sa Pa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á, Sa Pa xác định mục tiêu trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN. Để hiện thực mục tiêu này, Sa Pa đã và đang triển khai các đề án, quy hoạch về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch... Đặc biệt, địa phương đang nỗ lực tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và bảo tồn, khai thác những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Đây là khẳng định của lãnh đạo thị xã Sa Pa tại hội thảo “Giải pháp phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp - Hướng tới đô thị du lịch sạch ASEAN”, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Ngày hội Văn hóa Du lịch Sa Pa tại Hà Nội”, vừa diễn ra chiều ngày 5/4.

Một điểm đến nhiều thành tựu, lắm thách thức

Những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã có bước phát triển vượt bậc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa, ông Tô Ngọc Liễn đã đưa ra những con số ấn tượng: Năm 2023, thị xã đón hơn 3,68 triệu lượt khách, doanh thu đạt 12.707 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, Sa Pa sẽ đón 5,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.900 tỷ đồng.

“Chúng tôi rất vui vì du lịch Sa Pa nhận được những bình chọn ấn tượng như Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á; Top 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; 1/10 điểm ngắm tuyết đẹp nhất châu Á… Từ nền tảng này, thị xã Sa Pa xác định mục tiêu sẽ trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN vào năm 2025”, ông Liễn chia sẻ.

Song, không chỉ có thành tựu, ông Liễn thừa nhận trong những năm qua du lịch Sa Pa còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức chưa thể giải quyết như: Sự tăng trưởng nhanh về lượng khách tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng; sự phát triển của các dự án, công trình xây dựng làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới cảnh quan; quá trình đô thị hóa nhanh làm giảm không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

sapa_6.jpg
Khèn Mông ở Sa Pa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chuyên ngành về du lịch và sản phẩm du lịch của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao (đặc biệt sau đại dịch COVID-19); du lịch cộng đồng chưa rõ nét, tình trạng trẻ em chèo kéo, đeo bám và ăn xin vẫn chưa được giải quyết triệt để...

Dẫu khó khăn vẫn chưa thể giải quyết ngay, địa phương vẫn nỗ lực nghiên cứu, đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh bản địa. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa, bà Hoàng Thị Vượng cho biết hiện địa phương đang xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa với chủ đề “Sa Pa - Xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo Tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã.

Ngoài ra, còn có sản phẩm du lịch “Thiên đường nghỉ dưỡng núi” với các dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn mang dấu ấn bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Tây Bắc và đạt chuẩn điểm du lịch MICE ASEAN; sản phẩm “Sa Pa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”; sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao”; du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu riêng của Khu du lịch quốc gia Sa Pa - Chợ tình Sa Pa, trải nghiệm ruộng bậc thang Sa Pa; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp…

Bà Hoàng Thị Vượng thông tin thêm, trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch địa phương còn tích cực bảo tồn, khai thác nghề truyền thống của các dân tộc Sa Pa thành sản phẩm hàng hóa và quà tặng lưu niệm; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ruộng bậc thang và khu chạm khắc đá cổ Sa Pa; bảo tồn, quản lý và khai thác di tích Hang động Tả Phìn và Tu viện cổ Tả Phìn; bảo tồn, khai thác 3 di tích tâm linh trên địa bàn thị xã (Đền Thượng, Đền Mẫu và Đền Hàng Phố…

sapa_18.jpg
Những em bé dân tộc thiểu số Sa Pa về Thủ đô quảng bá văn hóa dân tộc mình. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Sa Pa cần một giải pháp tổng thể

Mặc dù du lịch Sa Pa đã gặt hái nhiều thành tựu những năm qua, nhưng các chuyên gia cho rằng để địa phương có thể phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế đòi hỏi phải có những giải pháp tổng thể, đồng bộ, định hướng lớn mới giúp du lịch Sa Pa phát triển bền vững.

Theo đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng việc Sa Pa định hướng trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN là phù hợp xu hướng của thế giới hiện nay. Vì thế, cần định hướng đưa Sa Pa trở thành một thương hiệu du lịch không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.

“Muốn vậy, cần tăng cường bảo vệ, giữ gìn các giá trị cốt lõi về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn và phải có những điểm nổi bật để tạo lợi thế cạnh tranh và khẳng định thương hiệu cho du lịch Sa Pa”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ông Bùi Hoài Sơn đánh giá Sa Pa đang làm khá tốt việc khai thác các chất liệu văn hóa tộc người để tạo ra những sản phẩm độc đáo nhằm hấp dẫn du khách, tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch địa phương đồng thời khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa bản địa và những chất liệu phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt nói chung.

z5320132915025_28af6ff3754d4560be4fa010a645f4a5.jpg
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí cũng trăn trở những giải pháp làm sao để du lịch Sa Pa nhanh chóng bứt phá: “Hiện nay, việc phát triển du lịch bền vững là hết sức quan trọng. Để phát triển du lịch bền vững thì chỉ có con đường là du lịch có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm với môi trường, với xã hội và kinh tế. Tức là chúng ta phải giữ được môi trường; tạo được cộng đồng xã hội văn minh, thân thiện; đem lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Điều này rất quan trọng với Sa Pa.”

Trước sự phát triển quá nóng của Sa Pa chỉ trong thời gian ngắn gần đây, ông Trí cho rằng để Sa Pa có thể phát triển bền vững cần sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền địa phương, cần một chiến lược, hệ thống quản lý chặt chẽ, giữ được những tiêu chuẩn, yêu cầu phát triển.

Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch phải xây dựng được các chương trình, sản phẩm đề cao được tính trách nhiệm. Lữ hành đưa khách đến không phải để phá tan điểm đến mà để xây dựng điểm đến. Người dân địa phương cũng phải có nhận thức, ý thức nuôi dưỡng sản phẩm điểm đến. Khách du lịch cũng cần có ý thức giữ gìn điểm đến khi đi du lịch Sa Pa.

“Với sự chung tay như vậy tôi tin rằng những hạn chế của du lịch Sa Pa sẽ sớm được đẩy lùi để Sa Pa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, Xanh, bền vững của du lịch Việt Nam”, ông Trí khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục