Ngày 29/8, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết trong tháng Tám này, du lịch Hà Nội đã đón được 2,49 triệu lượt khách; trong đó có 496.400 lượt khách quốc tế, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước và khách du lịch nội địa đạt 2 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng qua, ngành Du lịch Thủ đô đã đón được gần 19 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo, khách du lịch tiếp tục tăng cao dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng như dịp lễ Noel và Tết 2025. Những tháng đầu năm nay, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn cũng tăng theo do lượng khách đến và lưu trú ngày càng nhiều.
Thành phố hiện có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 606 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách, người dân đến tham quan và mua sắm. Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, lượng khách du lịch tăng cao đã ngày càng đóng góp cho nguồn thu ngân sách.
Trong 8 tháng, nguồn thu từ khách du lịch ước đạt 73.261 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, cho biết Hà Nội không chỉ là địa bàn trung tâm để du khách trung chuyển đi du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước, mà nhờ công tác quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình du lịch, lượng khách đến và lưu trú tại Thủ đô tăng cao.
Sở Du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút du khách đến thành phố. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 và Lễ hội Quà tặng 2024 là những sự kiện điểm nhấn trong năm. Ngoài ra, còn có chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội năm 2024; chuỗi hoạt động chuyên đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội.
Để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, cũng như giúp các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn yên tâm hoạt động, thành phố vừa tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội.
Có thể nói đây là những hoạt động có tính sáng tạo, bền vững và khẳng định vai trò của ngành Du lịch trong quá trình phát triển kinh tế Thủ đô. Sở Du lịch Hà Nội đang từng bước xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Du lịch gắn với nông nghiệp, thân thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên và phát triển các sản phẩm chất lượng cao OCOP đang là hướng đi được ưu tiên trong tương lai gần.
Thành phố cũng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản, di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ (Đan Phượng)…
Về chiến lược lâu dài, thành phố đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong hoạt động du lịch, số hóa hệ thống thông tin về khu, điểm, cơ sở dịch vụ, thị trường du lịch Hà Nội, cũng như quảng bá, kết nối thu hút đầu tư du lịch./.
Làng nghề tăm hương hơn trăm tuổi ở ngoại thành Hà Nội
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội hay còn gọi là làng hương Xà Cầu, có từ hơn 100 năm, trước đây là làng nghề chuyên sản xuất tăm hương thủ công cho nhiều nơi trên cả nước.