Không đơn giản chỉ có những số liệu khô khan về tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng kinh tế hay thị trường, mà đây là những chỉ dấu mang tính vĩ mô hơn, bao quát hơn, đi kèm với những bình luận và phân tích chuyên sâu.
Đó chính là nội dung Sách Beige của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Fed xuất bản Sách Beige (có tên chính thức là “Tóm tắt các bình luận về tình trạng kinh tế hiện tại”) lần đầu tiên vào năm 1970, trong đó tập hợp toàn bộ số liệu kinh tế và các thị trường kèm với phân tích, nhận định của giới chuyên gia và các nhà đầu tư tại tất cả 12 chi nhánh khu vực trực thuộc Fed.
Thông thường, ngân hàng trung ương Mỹ công bố Sách Beige 8 lần/năm và thường diễn ra hai tuần trước mỗi kỳ họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed.
Nếu như báo cáo thường kỳ chỉ đơn thuần là các số liệu, thì Sách Beige lại cung cấp những thông tin đa chiều hơn, “mang hơi thở cuộc sống hơn” liên quan tới tình hình kinh tế tại hầu hết các khu vực của Mỹ.
Do đó, giới đầu tư, các nhà phân tích và thị trường dành sự quan tâm đặc biệt đối với tài liệu này, coi đây như là chỉ dấu đáng tin cậy cho những quyết sách và đường hướng trong thời gian sắp tới của Fed.
Ấn phẩm Sách Beige tháng 4/2023 cũng được chờ đợi một cách đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang cố gắng vượt qua “sức ì” của giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và nhất là cơn sóng gió mới nổi lên trong lĩnh vực ngân hàng, nhấn chìm hàng loạt ngân hàng lớn của nước này và gián tiếp buộc Fed phải “rà phanh” lộ trình tăng lãi suất kéo dài suốt 2 năm qua.
Bà Emily Kerr, chuyên gia kinh tế hàng đầu làm việc tại chi nhánh Fed ở Dallas (Texas), đánh giá Sách Beige “ngày càng sống động và nếu coi toàn bộ nền kinh tế Mỹ là một bức tranh, thì cuốn sách này giống như chiếc bút cọ phác họa các màu sắc trên đó."
[Quan chức Fed khuyến nghị thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt]
Theo bà, tài liệu mang theo nhiều tín hiệu về chuyển động của nền kinh tế số một thế giới. Ông Bill English, Giáo sư chuyên ngành tài chính tại Đại học Yale và là một cựu quan chức cấp cao của Fed, đánh giá tình hình kinh tế đã biến đổi mạnh mẽ sau hơn 1 tháng ngân hàng trung ương Mỹ điều chỉnh lãi suất, thị trường tài chính ngân hàng dường như cũng đã vượt qua giai đoạn bão tố nhất.
Theo ông, trong bối cảnh ấy Sách Beige cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của Fed một bức tranh toàn cảnh và trực tiếp hơn về tình trạng kinh tế, qua đó giúp FOMC có thêm một công cụ chính sách hiệu quả.
Trả lời phỏng vấn trong tuần này, và gần như chắc chắn sẽ được đưa vào nội dung Sách Beige, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói rằng bối cảnh kinh tế hiện nay phù hợp để Fed thực hiện thêm một đợt tăng 25 điểm phần trăm lãi suất sau cuộc họp diễn ra từ ngày 2-3/5 tới.
Theo quan chức này, cuộc chiến chống lạm phát mới chỉ bắt đầu và việc Fed đảo ngược chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cũng cho rằng thị trường tài chính Phố Wall đã phát đi cảnh báo sai lầm về nguy cơ kinh tế Mỹ trở lại vòng xoáy suy thoái vào cuối năm 2023.
Ông khẳng định đà tăng trưởng sẽ được duy trì trong năm nay, thị trường việc làm tiếp tục mở rộng, lạm phát đã được kéo về mức 5% hồi tháng Ba vừa qua và dù còn cách xa ngưỡng 2%, song đây là mục tiêu nằm trong tầm với.
Theo báo New York Times, nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ quan điểm này của Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis Bullard, trong đó cho rằng Fed không nên đột ngột chấm dứt lộ trình tăng lãi suất trong bối cảnh hiện nay.
Kết quả thăm dò thị trường do Reuters thực hiện cho thấy 87% số người được hỏi nhận định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm nữa trong tháng 5 tới để đưa lãi suất lên biên độ mục tiêu 5% -5,25%.
Trong khi đó, chuyên trang tài chính CNBC dẫn bình luận của Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, đánh giá “một đợt tăng lãi suất nữa là vừa đủ."
Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia tiếp tục tỏ ý hoài nghi vào sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo đợt biến động mạnh của khu vực ngân hàng hồi tháng trước là hồi chuông cảnh báo đối với chính sách siết chặt tiền tệ của Fed, và nếu cơ quan này không sớm có những điều chỉnh phù hợp, “cơn địa chấn ngân hàng” có thể lan sang các khu vực kinh tế khác.
Thăm dò dư luận mới nhất của trang mạng Bloomberg cho thấy 65% số người được hỏi lo ngại kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 6 tháng cuối năm 2023.
Quan điểm này được củng cố thêm sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuần trước hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngay cả một người có cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng thừa nhận các rủi ro vẫn còn.
Trong khi đó, Giáo sư Kinh tế Ren Zhang tại Đại học Texas cảnh báo bức tranh kinh tế mà Sách Beige phác họa cũng có những hạn chế, bởi cuốn sách thực chất là tập hợp các khảo sát về số liệu và phân tích-bình luận, chứ không phải là một công cụ chính sách mang tính khoa học để dựa vào đó Fed đưa ra quyết định chính sách của mình.
Và trên thực tế, Fed luôn hoạch định chính sách tiền tệ vì mục tiêu chung của cả nền kinh tế Mỹ, chứ không phải chỉ dựa trên số liệu của 12 chi nhánh khu vực như phản ánh trong các ấn phẩm định kỳ của Sách Beige.
Chính yếu tố không thể đoán trước này khiến các kỳ họp của FOMC luôn được các thị trường và giới chuyên gia theo dõi sát sao./.