Nhiệm vụ chống lạm phát của Fed khó khăn hơn sau quyết định của OPEC+

Quyết định của OPEC+ có thể đẩy giá dầu tăng thêm một lần nữa và khiến tình trạng lạm phát chung tại Xứ sở cờ hoa có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn.
Nhiệm vụ chống lạm phát của Fed khó khăn hơn sau quyết định của OPEC+ ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo các nhà kinh tế, thông báo cắt giảm sản lượng bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, đang làm phức tạp thêm nhiệm vụ hạ nhiệt nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát tại Mỹ.

Giá năng lượng thế giới đã tăng mạnh hồi năm ngoái sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine. Tình trạng này đã đẩy lạm phát toàn cầu tăng vọt ngay khi các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu tái cân bằng sau đại dịch.

Sau đó, đà giảm của giá năng lượng đã giúp hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ, vốn đã giảm từ 9,1% vào tháng Sáu, mức cao nhất trong 40 năm, xuống còn 6% vào tháng Hai.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá năng lượng đã tăng 5% trong tháng Hai so với cùng tháng một năm trước, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 41,3% hồi tháng 6/2022.

Hiện nay, khi giá dầu tăng một lần nữa, lạm phát chung có thể tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn.

Kevin Book, Giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners dự báo động thái của OPEC+ có thể khiến giá xăng tăng thêm hơn 50 xu/gallon so với mức trung bình 3,5 USD/gallon hiện nay trên toàn nước Mỹ.

Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng tại Northern Trust Corporation, nhận định giá năng lượng là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến kỳ vọng lạm phát.

Hiện nay, giá năng lượng vẫn chưa ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, song nếu giá xăng vượt 4 USD/gallon, đây lại là một câu chuyện khác.

[Một loạt quốc gia OPEC+ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ]

Một báo cáo lạm phát của Mỹ dự kiến công bố vào tuần tới có thể giúp trả lời câu hỏi của giới tài chính Phố Wall về quỹ đạo lãi suất trong ngắn hạn.

Sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng trước, các nhà đầu tư ngày càng tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm để tránh suy thoái kinh tế.

Những đồn đoán này đã đẩy lợi suất trái phiếu xuống thấp hơn và thúc đẩy giá cổ phiếu với chỉ số S&P 500 đã tăng 6,9% từ đầu năm đến nay.

Tom Hainlin, chiến lược gia đầu tư tại U.S. Bank Wealth Management, nhận định nếu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao hơn, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu dự báo lãi suất gần với mức hiện tại của Fed và có khả năng gây sức ép lên giá tài sản.

Mối lo ngại về suy thoái đang gia tăng, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng sự hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng hồi tháng Ba sẽ thắt chặt các điều kiện tín dụng và ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Suy thoái kinh tế có thể gây sức ép lên giá cổ phiếu, ngay cả khi tình trạng này có thể khiến Fed phải cắt giảm lãi suất sớm hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục