Kết thúc vòng bảng World Cup 2014, không có bất kỳ một đội bóng Châu Á nào có thể bước tiếp vào vòng knock-out. Như vậy là sau kỳ World Cup tại Nam Phi tương đối thành công khi có hai đại diện bước vào vòng knock-out (Nhật Bản, Hàn Quốc) thì châu Á lại tiếp tục quay về với thành tích gần như bằng không của mình tại các kỳ bóng đá thế giới.
Hãy cùng nhìn lại toàn bộ hành trình của các đội bóng châu Á tại World Cup năm nay để tìm ra lý do cho sự thật đáng buồn này.
1. Australia
Ngay từ khi diễn ra lễ bốc thăm chia bảng, đã rất it người tin vào một chiếc vé vào vòng hai cho đội tuyển "Xứ sở Chuột túi."
Nằm chung bảng với các đội tuyển mạnh như Tây Ban Nha, Hà Lan, Chile, không quá ngạc nhiên khi Australia thua cả ba trận, tuy nhiên những ấn tượng mà Tim Cahill và các đồng đội để lại là tương đối đẹp khi đã gây rất nhiều khó khăn cho Hà Lan ở lượt trận thứ hai.
Australia đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ một cách rõ ràng và thành tích này của Socceroos không làm quá nhiều người hâm mộ thất vọng, thời đại của những Harry Kewell, Lucas Neil hay John Aloisi đã qua và Australia phải hướng đến một thế hệ mới.
World Cup 2014 là một bước đệm tốt để những nhân tố trẻ như Matthew Lecky hay Tommy Oar có thêm kinh nghiệm và xây dựng nên một thời kỳ mới cho Australia.
2. Nhật Bản
Nằm ở bảng C với các cái tên vừa tầm như Colombia, Bờ Biển Ngà và Hy Lạp thế nhưng tất cả những gì mà Nhật Bản để lại chỉ là hành vi đẹp của… cổ động viên trên khán đài cũng như của chính đội tuyển bên ngoài sân cỏ.
Đoàn quân của huấn luyện viên Alberto Zaccheroni đã làm tất cả những người hâm mộ thất vọng khi chỉ có đúng 1 điểm trước Hy Lạp ở lượt trận thứ hai.
Nguyên nhân dẫn đến thất bại của Samurai xanh đến từ chính kỳ vọng quá lớn của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản dành cho Honda và các đồng đội. Tứ kết là mục đích Nhật Bản hướng tới, một mục tiêu quá cao so với năng lực thật sự đã giết chết đội đồng chủ nhà World Cup 2002 tại kỳ cúp thế giới năm nay.
Điểm yếu lớn nhất của các đội bóng Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là thể lực, có rất nhiều thời điểm trong trận đấu, Nhật Bản cũng như Hàn Quốc hoàn toàn có thể ghi bàn và có được một chiến thắng nhưng ở các tình huống cuối cùng thì lại bị hụt hơi.
Việc không có một nền tảng sức khỏe tốt và lại chơi bóng trong điều kiện khắc nghiệt như tại Brazil chính là nguyên nhân dẫn đến điểm yếu cố hữu này.
3. Hàn Quốc
Khá giống với Nhật, Hàn Quốc cũng nằm ở một bảng đấu không quá khó khăn với những cái tên như Bỉ, Nga và Algeria, thế nhưng ấn tượng của đội tuyển "Xứ sở Kim chi" cũng chỉ đến từ cô nữ phóng viên xinh đẹp của đài SBS - một phạm trù rất ít liên quan đến đội tuyển.
Quay trở lại với hành trình của Hàn Quốc tại Brazil, nhận được khá nhiều sự kỳ vọng khi trong thành phần tham dự World Cup có những cái tên nổi bật như Heung Min Son hay Ki Sung Yeung nhưng Hàn Quốc chỉ có thể cầm hòa được tuyển Nga với sai lầm của Igor Akinfeev, còn lại là những sự thất vọng lớn lao.
Thất bại với tỷ số đậm 2-4 trước Algeria đã gần như đóng sập toàn bộ cánh của đi tiếp của đội tuyển "Xứ sở Kim Chi" trước khi chính thức thành sự thật sau thất bại trước Bỉ ở lượt trận cuối.
Nguyên nhân dẫn đến thất bại của Hàn Quốc phần lớn là do không có sự chuẩn bị trong việc đối mặt với tốc độ trận đấu ở mức cao. Trong bàn thua trước Nga ở lượt trận đầu tiên, Hong Myung Bo đã không xoay sở kịp trước tốc độ cực kỳ cao mà đội tuyển Nga tạo ra để rồi bị Kerzhakov chọc thủng lưới trong tình huống mà cả hàng phòng ngự gần như đứng lại để cựu tiền đạo Sevilla ghi bàn.
4. Iran
Đại diện cuối cùng của châu Á là Iran, đội bóng được dẫn dắt bởi Calos Queiroz đã làm rất tốt trong khâu phòng ngự khi cầm hòa được Argentina cho đến những phút cuối cùng trước khi Lionel Messi lên tiếng.
Nhìn cái cách mà Iran chơi, có cảm tưởng họ muốn vượt qua cái ngưỡng của chính mình nhưng không thể. Bị loại ở lượt trận cuối cùng sau thất bại trước Bosnia, nhưng Iran cũng tìm thấy một niềm vui nho nhỏ khi cuối cùng cũng có được bàn thắng.
Carlos Queiroz đã từ lâu luôn được nhận xét như một người chỉ có thể làm đến mức trợ lý, việc cựu huấn luyện viên trưởng Bồ Đào Nha quay lại với World Cup trên tư cách "thuyền trưởng" của Iran không thay đổi được quá nhiều định kiến ấy, lối chơi vẫn quá cầu toàn và mang nặng tư tưởng phòng ngự.
Và với việc rơi vào một bảng đấu tương đối khó nhằn khi có các đội bóng vượt trội về kỹ thuật và thể lực như Argentina, Nigeria hay Bosnia thì đó thực sự là một bài toán quá khó giải với một ông thầy thiếu cá tính như Queiroz.
Cả bốn đội tuyển đại diện cho châu lục đông dân nhất thế giới đều đã bị loại, có những lý do khác nhau, có những lý do giống nhau nhưng tất cả đều cho thấy sự yếu kém nhất định của bóng đá châu Á.
Sẽ là quá đáng khi nói nền bóng đá của Nhật Bản hay Hàn Quốc đi xuống nhưng rõ ràng tất cả sẽ phải thay đổi một cách mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn mãi mãi là những kẻ ngoài cuộc tại sân chơi cao nhất cấp độ đội tuyển./.