Theo Viện Nhôm Quốc tế (IAI), sản lượng nhôm toàn cầu đã giảm khoảng 0,5% trong nửa đầu năm 2019 và là lần giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Sản lượng nhôm ở phương Tây thấp chủ yếu do sự thiếu hụt sản lượng tạm thời tại hai nhà máy luyện kim chủ chốt là Albras ở Brazil và Becancour ở Canada.
Cả hai nhà máy này đều đang trong quá trình khôi phục công suất hoạt động.
Nhà máy Albras, với công suất 450.000 tấn, chỉ hoạt động với 50% công suất kể từ tháng 4/2018 do tình trạng cắt giảm mạnh công suất của nhà máy luyện alumina Alunorte (alumina là nguyên liệu để sản xuất nhôm).
[Thủ tướng Australia lên tiếng về việc xuất khẩu nhôm sang Mỹ]
Hãng Hydro của Na Uy, chủ sở hữu hai nhà máy trên, đang nỗ lực đưa các nhà máy này trở lại hoạt động với 100% công suất sau khi giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề môi trường với chính quyền Brazil.
Trong khi đó sản lượng của nhà máy luyện nhôm Becancour giảm từ 438.000 tấn trong năm 2017 xuống còn 136.000 trong năm 2018 và sản lượng trong quý 2/2019 chỉ ở mức 65.000 tấn.
Alcoa, nhà điều hành Becancour, dự tính nhà máy sẽ trở lại hoạt động với 100% công suất vào quý 2/2020.
Nhà máy luyện nhôm Mostar với công suất 130.000 tấn/năm ở Bosnia đóng cửa đầu tháng này và số phận của hai nhà khác của Tây Ban Nha vẫn chưa được định đoạt.
Alcoa cho hay hãng đã đạt được thỏa thuận bán hai nhà máy La Coruna và Aviles với công suất tổng cộng 180.000 tấn/năm cho đối tác Thụy Sỹ Parter Capital Group.
Tuy nhiên, Alcoa cảnh báo nếu hai bên không hoàn tất thỏa thuận vào cuối tháng này, cả hai nhà máy sẽ phải đóng cửa.
Trong khi đó, sản lượng nhôm của Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về sản xuất nhôm, cũng giảm do bị ảnh hưởng bởi đà tăng trưởng kinh tế chậm lại tại đây.
Theo IAI, sản lượng nhôm của Trung Quốc trong tháng Sáu đã giảm khoảng 3,1% và khoảng 0,4% trong nửa đầu năm 2019.
Sản lượng nhôm của Trung Quốc đã tăng với hai chữ số trong 5 năm qua, song tăng trưởng đã chậm lại chỉ còn 1,6% trong năm 2018.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nhôm bán thành phẩm của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng 10,5% lên 2,2 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng sản xuất của nước này đang bị đình trệ, hoạt động xuất khẩu sẽ trở nên "nhạy cảm" hơn với bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu trong nước tăng./.