Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Gần năm năm nay, mô hình trồng thí điểm thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu được kết quả khả quan khi nhiều hộ đã thu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng bình thường.
Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Quang Quyết/TTXVN)

Gần 5 năm nay, mô hình trồng thí điểm thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu được kết quả khả quan.

Nhiều hộ nông dân sau thời gian tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã thu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng bình thường. Đặc biệt, qua mô hình này đã thay đổi nhận thức của nhiều hộ nông dân về hướng sản xuất sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Xã Bưng Riêng, huyện Xuyên Mộc là địa phương có diện tích trồng thanh long đứng đầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong những năm gần đây, người dân địa phương xã đã quen dần thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với cây trồng chủ lực thanh long, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các hộ tham gia trồng thanh long theo VietGap đã được hỗ trợ hơn 30% tổng chi phí sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Kính (ở ấp 1, xã Bưng Riềng) - một trong các hộ tham gia trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết gia đình ông trồng thí điểm 5 sào với 500 trụ thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Qua quá trình chăm sóc và thu hoạch, ông thấy trồng thanh long theo VietGAP cho năng suất cao, ít sâu bệnh hơn, quả đẹp, ngọt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng do không dùng thuốc trừ sâu độc hại. Với giá bán hiện nay từ 18.000-22.000 đồng/kg thanh long ruột trắng và 30.000-35.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông Kinh cho biết thêm, thời gian đầu chưa áp dụng VietGAP, chưa nắm chắc kỹ thuật thì vườn thanh long của gia đình ông bị bệnh không còn hy vọng thu hoạch, nhưng từ khi được học và nắm chắc kỹ thuật làm VietGAP và áp dụng có hiệu quả thì thấy vườn thanh long cho năng suất cao hơn và ít bị sâu bệnh.

Cũng theo ông Kính, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP giảm từ 20-30% chi phí do giảm được lượng thuốc sâu và phân bón. Được hướng dẫn và làm đúng kỹ thuật, người nông dân không phải bón phân chuồng, phân hóa học tràn lan và thuốc trừ sâu bệnh chủ yếu sử dụng từ tỏi, ớt, dầu ăn.... tự chế ra. Do vậy, quả thanh long sẽ rất an toàn cho người sử dụng.

Ông Lê Rồi, hộ trồng thanh long cũng ở xã Bưng Riềng, chia sẻ ban đầu, do chưa chăm bón đúng kỹ thuật VietGAP, 400 trụ thanh long của gia đình chỉ bán được với giá rẻ. Sau một thời gian chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn thanh long của ông cho quả to, đẹp, rất ngọt và nhanh được thu hoạch hơn. Trung bình, mỗi gốc thanh long cho từ 30-40 quả/trụ. Theo tính toán, một năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về gần 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là hai trong số ít hộ trồng thanh long theo hướng VietGAP ở xã Bưng Riềng, và với diện tích còn quá ít nên các hộ này chưa có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy gây khó khăn cho đầu ra của sản phẩm.

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới có gần 10ha trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, mặc dù tại các xã có diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã thành lập được hợp tác xã chuyên thu mua sản phẩm của các hộ trồng thanh long, song do chưa có nhà sơ chế nên các sản phẩm thanh long của Bà Rịa-Vũng Tàu còn phải phụ thuộc vào thị trường Bình Thuận, dẫn tới tình trạng giá cả không ổn định.

Ông Trần Quang Hải - Chủ nhiệm hợp tác xã Hưng Thịnh (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc), băn khoăn hiện nay phẩm của nông dân phải bán qua hai ba tay thương lái với giá không ổn định, do đó tỉnh nên xây dựng nhà sơ chế thì sản phẩm thanh long của Bà Rịa-Vũng Tàu mới có thể xây dựng thương hiệu và có đầu ra ổn định. Ngoài ra, hiện nay các hộ nông dân muốn đầu tư mở rộng diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đều gặp khó khăn về vốn đầu tư, thiếu thông tin thị trường.

Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích trồng thanh long theo VietGAP cũng không dễ vì phải tuân thủ việc ghi nhật ký sản xuất, phải gửi các mẫu xét nghiệm đất, nước, phân bón... đạt tiêu chuẩn mới có thể trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo bà Trần Thị Thiên Hương - Phó Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang khuyến khích nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để nhân rộng được sản xuất theo tiêu chuẩn này thời gian tới, trước hết người trồng thanh long cũng như các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh phải tập làm quen với việc sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, có như vậy mới có những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng. Đây cũng chính là việc người nông dân góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm mà họ đã sản xuất. Ngoài ra việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, còn tạo được ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm đối với sản phẩm mình sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục