Sản xuất toàn cầu “mất đà” do đứt gãy dây chuyền cung ứng

Khu vực Đông Nam Á - trung tâm sản xuất giá rẻ cho nhiều công ty toàn cầu - bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do hoạt động sản xuất đình trệ vì dịch COVID-19.
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại New Orleans, bang Louisiana, Mỹ ngày 23/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại New Orleans, bang Louisiana, Mỹ ngày 23/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hoạt động sản xuất toàn cầu đã mất đà trong tháng Tám do chuỗi cung ứng bị đứt quãng vì đại dịch COVID-19, làm dấy lên lo ngại sẽ gây ra thêm những khó khăn kinh tế mới bên cạnh tình trạng tiêu dùng giảm.

Theo các cuộc thăm dò công bố ngày 1/9, nhiều công ty đã thông báo các vấn đề logistics, thiếu sản phẩm và thiếu lao động.

Trong khi hoạt động sản xuất vẫn mạnh trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của HIS Markit đã giảm 61,4 trong tháng Tám, từ mức 62,8 trong tháng Bảy và thấp hơn mức 61,5 ước tính ban đầu.

Tại Anh, nơi các nhà máy cũng phải đối mặt với tình trạng đứt gãy dây chuyền cung ứng, tổng giá trị sản xuất trong tháng Tám tăng với tốc độ thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.

Mỹ cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự với số liệu chính thức sẽ được công bố trong ngày 1/9.

Nền kinh tế Canada trong quý vừa qua và trong tháng Bảy thu hẹp nhiều hơn dự kiến, do sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất, xây dựng và bán lẻ. Còn Australia ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn trong quý 2.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế toàn cầu, chỉ số sản xuất của Trung Quốc trong tháng Tám đã rơi xuống mức suy thoái lần đầu tiên trong gần 1 năm rưỡi qua do các biện pháp phòng dịch, sự thiếu hụt nguồn cung ứng và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Chỉ số PMI của Caixin/Markit giảm xuống 49,2 trong tháng Tám, từ mức 50,3 trong tháng Bảy, tức là thấp hơn ngưỡng 50 để phân biệt giữa tăng trưởng và suy thoái.

[Khảo sát KPMG: Các CEO lạc quan vào triển vọng kinh tế toàn cầu]

Kết quả trên thấp hơn nhiều so với các dự báo của thị trường, cho thấy rõ bản chất bấp bênh của sự phục hồi ở Trung Quốc.

Trong khi đó, các nước phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chứng kiến hoạt động sản xuất tăng với tốc độ chậm hơn trong tháng Tám.

Dấu hiệu thiếu chip điện tử và tình trạng đóng cửa nhà máy có thể làm giảm đà phục hồi bền vững sau dịch.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á - trung tâm sản xuất giá rẻ cho nhiều công ty toàn cầu - bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do hoạt động sản xuất đình trệ vì dịch.

Các thăm dò cho thấy thiệt hại trên diện rộng do đại dịch ở Đông Nam Á, nơi số ca nhiễm đang tăng và các biện pháp phong tỏa đang ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Các ổ dịch do biến thể Delta gây ra trong khu vực đã khiến các nhà sản xuất lớn nhất thế giới phải đau đầu và dây chuyền cung ứng, nhiều trong số này dựa vào phụ tùng ôtô và thiết bị bán dẫn sản xuất giá rẻ tại Thái Lan, Malaysia...

Chuyên gia Makoto Saito, tại viện nghiên cứu NLI, cho biết: “Nếu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài, Đông Nam Á có thể gặp khó khăn để giữ vị thế một trung tâm sản xuất toàn cầu.”

Từng một thời là động lực của tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển trong việc phục hồi sau dịch, vì tỷ lệ tiêm phòng ít hơn và sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục