Sắp biểu diễn lại bản nhạc tài tử cổ nhất Việt Nam

Sáu nghệ nhân nhạc tài tử sẽ biểu diễn lại bản nhạc tài tử cổ nhất trong lịch sử âm nhạc tài tử Việt Nam tại TP.HCM vào ngày 5/7.
Sáu nghệ nhân nhạc tài tử sẽ biểu diễn lại bản nhạc tài tử cổ nhất trong lịch sử âm nhạc tài tử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/7 tới đây.

Sáu người tham gia biểu diễn lần này có hai người đến từ Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, đó là nghệ sỹ Huỳnh Khải và nghệ sỹ Hải Phương.

Bản nhạc tài tử cổ nhất Việt Nam được nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên phát hiện ra sau nhiều năm thất lạc chính là bản ký âm của Julien Tiersot. Ông là một nhà nghiên cứu dân tộc học, nhạc học nổi tiếng người Pháp, vào năm 1900 ông đã ký âm lại bản nhạc này khi một ban nhạc tài tử của Việt Nam biểu diễn tại Hội chợ thế giới Paris (Pháp) với tư cách là đại diện cho văn hóa Đông Đương. Đặc biệt, một cô đào nổi tiếng người Pháp khi đó là Cléo de Mérode đã múa trên nền nhạc tài tử của Việt Nam trên sân khấu ở Hội chợ này.

Ngay sau khi phát hiện ra bản nhạc này, Nguyễn Lê Tuyên đã gửi tới nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam để tìm kiếm các ý kiến, nhận xét, trong số đó có nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam).

Nhà nghiên cứu này đã có công lớn trong việc hiệu đính lại bản ký âm của Julien Tiersot theo phong cách của nhạc tài tử với các ký tự nhạc thanh truyền thống là hò, xừ, xang… Việc làm này giúp những người trong làng nhạc tài tử dù không hiểu được nốt nhạc phương Tây cũng vẫn chơi được bản nhạc cổ này.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng đưa ra một số nhận xét, đóng góp vào việc nghiên cứu tài liệu quan trọng này. Đó là theo cấu trúc giai điệu có thể đoán định đây là một bản nhạc hoặc một liên khúc ngắn hơi Bắc thuộc dạng nhỏ (nhịp một), khá gần gũi với kiểu dạng các bài trong liên khúc “10 bản ngự” (Thập thủ liên hoàn) hay liên khúc “Lưu-Bình-Kim"…

Nhóm sáu nghệ nhân đã có buổi tập luyện cùng nhau lần đầu tiên vào ngày 2/7, trước đó họ đã được cung cấp bản nhạc để tự tập luyện. Các nghệ nhân sẽ chơi bản nhạc theo đúng phong cách ngẫu hứng của ban nhạc tài tử đã trình diễn tại Pháp vào năm 1900.

Phần biểu diễn bản nhạc tài tử cổ nhất này cũng sẽ diễn ra tại Hội thảo của Hội đồng âm nhạc truyền thống thế giới, diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) từ ngày 11-18/7 tới đây.

Đây là hội thảo lớn nhất thế giới về âm nhạc truyền thống với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hội thảo diễn ra 2 năm một lần ở nhiều quốc gia khác nhau.

Đây sẽ là một cơ hội tốt để tôn vinh, quảng bá âm nhạc truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là nhạc tài tử đến với bạn bè quốc tế trong bối cảnh hồ sơ “Đờn ca tài tử” của Việt Nam đang đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Nhà nghiên cứu, nhạc sỹ Nguyễn Lê Tuyên hiện là giảng viên và nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tại Đại học quốc gia Australia.

Anh đã dùng chính cách thức của một nhà nghiên cứu nhạc học để tạo ra sự quan tâm của quốc tế đối với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đầu tiên, anh tiến hành nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên, năm 2012 Nguyễn Lê Tuyên về nước và thực hiện dự án “Giấc mơ cao nguyên - Giao thoa âm và sắc,” trình diễn các bản nhạc do anh sáng tác với cảm hứng chủ đạo và xuyên suốt về núi rừng Tây Nguyên.


Tiếp theo là âm nhạc tài tử với phát hiện mới về việc việc một ban nhạc tài tử miền Nam đã từng “du Tây” biểu diễn trước đông đảo bạn bè quốc tế từ năm 1900.


Nguyễn Lê Tuyên cùng một nhà nghiên cứu Việt kiều Australia là Nguyễn Đức Hiệp đã chung tay viết một cuốn sách về âm nhạc tài tử trên cơ sở các nguồn thông tin đáng tin cậy từ nước ngoài, tác phẩm sắp ra mắt tại Việt Nam do Công ty sách Phương Nam ấn hành. Đây sẽ là cơ sở để nhiều nhà nghiên cứu trong nước tham khảo, thêm tài liệu nghiên cứu về âm nhạc tài tử.

Thanh Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục