Sâu bệnh gây nhiều thiệt hại cây trồng phía Nam

Nhiều đối tượng sâu bệnh nguy hại mới đối với cây trồng chủ lực tại các tỉnh phía Nam đang gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống.
Ngày 14/6, tại Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, tỉnh Tiền Giang, Cục Bảo vệ Thực vật đã tổ chức Hội thảo Tình hình xuất hiện, gây hại và tiến độ nghiên cứu một số dịch hại chính trên cây trồng ở các tỉnh phía Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật chủ trì Hội thảo với sự tham gia của đại diện 22 tỉnh, thành phố phía Nam và các nhà khoa học các viện, trường... trong khu vực.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các nhà khoa học của Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam và các viện, trường, các tỉnh, thành báo cáo về tình hình xuất hiện và gây hại của nhiều đối tượng sâu bệnh nguy hại mới đối với cây trồng chủ lực tại các tỉnh phía Nam đang gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Đơn cử như sâu đục quả trên cây có múi, bọ vòi voi hại dừa, sâu hại dừa, rệp sáp hồng hại sắn, bệnh đốm trắng trên cây thanh long, côn trùng tấn công khoai lang, bọ đuôi kiếm hại khoai lang... Đáng chú ý, gần đây còn có thêm nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại mới chưa định danh được như: nhện hại bông dừa, sâu đục quả dừa... khiến nông dân các vùng chuyên canh tại các tỉnh, thành phía Nam hết sức lo lắng.

Theo tiến sĩ Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, thời gian qua, các nhà khoa học trong khu vực đã dày công nghiên cứu, xác định mức độ gây hại và cách thức gây hại của các đối tượng sâu bệnh trên nhằm giúp nông dân tìm giải pháp đối phó hữu hiệu. Tuy nhiên, hiện nay điều quan trọng là cần đúc kết lại thành quy trình, quy phạm, thống nhất biện pháp xử lý khoa học, hiệu quả và cập nhật kịp thời để nông dân áp dụng đồng bộ.

Nhiều giải pháp hay được trình bày tại hội thảo như: Một số giải pháp quản lý sâu đục trái bưởi (Bến Tre); một số đặc điểm hình thái, sinh học và đặc điểm gây hại của bọ vòi voi (Trường Đại học Cần Thơ); nhận dạng và cảnh giác một số dịch hại mới trên dừa (Hậu Giang); kết quả khảo nghiệm hiệu lực của một số thuốc và hỗn hợp một số thuốc với dầu khoáng trừ rệp sáp bột hồng (Trung tâm Kiểm định và Kháo nghiệm thuốc Bảo vệ Thực vật phía Nam); quy trình kỹ thuật bệnh đốm nâu hại thanh long (Cục Bảo vệ Thực vật)...

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Qua hội thảo đã đánh giá được thực trạng một số dịch hại mới nổi, khó khăn của nông dân trong quá trình đối phó, kết quả công tác nghiên cứu phòng trừ của các nhà khoa học. Đây chính là cơ sở khoa học để ngành chức năng đưa ra những qui định cụ thể về quản lý dịch hại tổng hợp ở các khâu cũng như giải pháp quản lý hiệu quả sâu bệnh bảo vệ sản xuất trong thời gian tới./.

Minh Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục