Sáu nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục trung học năm học 2023-2024

Thực hiện tốt chương trình giáo dục, quy hoạch mạng lưới, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới kiểm tra đánh giá, tăng cường giáo dục đạo đức, phát triển đội ngũ là các nhiệm vụ ngành giáo dục đặt ra.
(Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 3899/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học thực hiện các nhiệm vụ năm học 2023-2024 với sáu nhiệm vụ chung.

Cụ thể, năm học tới, ngành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 9 và lớp 12, bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình năm học; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục trung học.

Toàn ngành tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

Các nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; triển khai ứng dụng công nghệ số trong dạy và học.

[Bộ Giáo dục ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024]

Năm học tới, ngành giáo dục cũng tập trung phát triển dội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ giáo viên theo môn học để tổ chức dạy học các môn học trong Chương trình.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt nhiệm vụ tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

Về nhiệm vụ cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng. Theo đó, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng; tham gia tổ chức các kì thi, cuộc thi

Hướng dẫn của cũng lưu ý vấn đề phát triển mạng lưới trường, lớp, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trung học (phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu); tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục; công tác thi đua, khen thưởng.

Trên cơ sở những nội dung hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, các sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.

Chú thích: Giờ học của học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 ngành giáo dục và đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, bậc trung học cơ sở có thêm các môn học mới là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục Địa phương. Việc triển khai các môn học này hiện cũng đang gặp nhiều lúng túng trong các nhà trường.

Bậc trung học phổ thông học sinh chỉ học bốn môn bắt buộc là Ngoại ngữ, Toán, Ngữ văn, Lịch sử và một số nội dung giáo dục bắt buộc khác như An ninh Quốc phòng, Giáo dục thể chất… Học sinh được chọn bốn môn học trong số các môn lựa chọn gồm Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục