Mặc dù trải qua giai đoạn 2 năm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ngành hàng rau quả của Việt Nam vẫn giữ vững vị trí xuất khẩu ra các thị trường thế giới.
Không những vậy, ngành hàng này lại được thêm nhiều kỳ vọng tăng xuất khẩu trong năm 2023, bởi Việt Nam có thêm một loại trái cây tham gia vào xuất khẩu chính ngạch, đó là sầu riêng.
Nhiều kỳ vọng
Kể từ tháng 9/2022, trái sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bắt đầu thời điểm này, trái sầu riêng mở ra một triển vọng mới cho ngành rau, quả, trái cây của Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 100.000ha sầu riêng, cho sản lượng hơn 1,3 triệu tấn/năm.
Trong tổng diện tích này, hai địa phương có diện tích đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lớn nhất cả nước là Tiền Giang và Đắk Lắk.
Theo ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Trung Quốc là thị trường lớn có năng lực tiêu thụ mạnh. Ngoài việc người tiêu dùng ăn sầu riêng tươi, còn có nhiều nhãn hiệu bánh bao nổi tiếng dùng sầu riêng làm nhân bánh.
[246 mã số vùng trồng sầu riêng được phê duyệt để xuất khẩu Trung Quốc]
Bánh bao vị sầu riêng bán rất đắt hàng. Sầu riêng còn được sử dụng để sản xuất đồ uống, bánh kẹo và đưa vào nhiều món ăn khác nhau. Chỉ với một vài đối tác nhỏ, công ty có thể tiêu thụ 500.000 tấn sầu riêng tươi mỗi năm, chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng sầu riêng của cả nước. Đây là một cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam.
Canh tác sầu riêng vốn không dễ, tuy bất kỳ mảnh đất nào cũng có thể trồng sầu riêng, có thể xử lý ra hoa, nhưng để tạo nên năng suất và chất lượng trái sầu riêng theo đơn đặt hàng là điều không dễ dàng.
Ông La Trấn Vỉnh, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Khang chia sẻ, để tạo nên cây sầu riêng cho năng suất, trái sầu riêng chất lượng, Hợp tác xã Vĩnh Khang luôn có đội ngũ kỹ thuật nông nghiệp giúp nông dân cách chăm sóc, tỉa hoa, cắt cành để cây sầu riêng thông thoáng, nguồn dinh dưỡng tập trung nuôi số lượng trái còn lại.
Nhờ đó mà trái sầu riêng sẽ tròn đều, đủ độ mềm, độ ngọt như nhà nhập khẩu yêu cầu. Với hơn 100ha sầu riêng Hợp tác xã Vĩnh Khang hợp tác với nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Đắk Lắk, toàn bộ sản lượng này Vĩnh Khang thu gom giao hàng cho Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu để cung ứng chính ngạch cho thị trường Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái sầu riêng, nông dân trồng sầu riêng có thêm nhiều cơ hội phát triển thế mạnh của loại cây trồng này.
Tuy nhiên, mặc dù là thị trường quen thuộc với các loại nông sản của Việt Nam, nhưng phía nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng có nhiều yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nếu có sự gian lận trorng chứng từ pháp lý phục vụ cho xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đình chỉ hoạt động thu mua, xuất khẩu để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, đảm bảo uy tín với khách hàng Trung Quốc, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Cẩn trọng mở rộng vùng nguyên liệu
Mặc dù quyết định mở cửa cho trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, trái sầu riêng có nhiều cơ hội xuất khẩu, nhưng không có nghĩa không tiềm ẩn rủi ro cho loại cây trồng này và rủi ro cho nông dân Việt Nam.
Do đó, khi chưa có thêm nhiều khách hàng, chưa gia tăng sự lựa chọn đối tác, thì nông dân trồng sầu riêng cẩn trọng trong mở rộng diện tích, tránh tình trạng thừa cung, thiếu cầu, rơi vào bế tắc trong tiêu thụ.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, vừa qua Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho 51 mã số vùng trồng và 26 cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam, đủ thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Với hơn 100.000 ha sầu riêng, thì chỉ có 3.000ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 3% tổng diện tích sầu riêng cả nước.
Mặc dù diện tích sầu riêng lớn, nhưng diện tích đủ tiêu chuẩn chất lượng và pháp lí phục vụ cho xuất khẩu còn rất nhỏ. Nếu các vùng nguyên liệu muốn đáp ứng xuất khẩu, bắt buộc phải hoàn tất các thủ tục pháp lý này, nếu không sẽ trở thành những vườn sầu riêng có nguồn cung lớn mà giá rẻ khi không bán được cho khách hàng nước ngoài.
Hiện Trung Quốc mới chỉ đặt hàng 1,3 triệu tấn sầu riêng tươi/năm, tương ứng với vùng nguyên liệu được cấp mã số. Do đó, những hộ nông dân chưa đủ cơ sở pháp lý mà tự ý mở rộng vùng trồng, sẽ khó tiêu thụ được với giá cả mong muốn.
Thêm vào đó, việc Trung Quốc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Những vườn trồng mới mà lại có mã vùng trùng và có sầu riêng xuất khẩu ngay là một điều đáng ngại trong mối quan hệ hợp tác giao thương.
Do đó, các doanh nghiệp cũng cẩn trọng trong việc thu mua nguyên liệu sầu riêng phục vụ cho xuất khẩu, vùng trồng có mã số cũng phải tương ứng với số năm tuổi cho trái của vườn. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới đảm bảo uy tín với khách hàng, bảo vệ mối quan hệ hợp tác bền vững cho trái sầu riêng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ thêm.
Với cơ hội xuất khẩu tuyệt vời dành cho trái sầu riêng này, chắn chắn nhiều nông dân sẽ mong muốn tham gia sản xuất. Thế nhưng, chất lượng trái sầu riêng luôn là điều kiên tiên quyết để tham gia vào thị trường xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các tỉnh thành phía Nam, yêu cầu nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sầu riêng, không mở rộng tự phát.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh các hoạt động mở rộng diện tích sầu riêng diễn ra tại các địa phương, vì vậy các địa phương phải vào cuộc, có những thang đo, những số liệu cụ thể của cây trồng này.
Các cơ quan chuyên môn xác định những vùng có thể phát triển sầu riêng bền vững, hệ thống thủy lợi đáp ứng được cho cây sầu riêng. Địa phương có chính sách liên kết các doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu sầu riêng thời gian qua để cùng đánh giá về thị trường, tạo nên vùng nguyên liệu lớn đáp ứng cho xuất khẩu, có đủ pháp lý để đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu sầu riêng./.