246 mã số vùng trồng sầu riêng được phê duyệt để xuất khẩu Trung Quốc

Sau hai lần kiểm tra trực tuyến vườn trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tươi của Việt Nam, GACC đã phê duyệt cho 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
246 mã số vùng trồng sầu riêng được phê duyệt để xuất khẩu Trung Quốc ảnh 1Xe hàng nông sản Việt Nam thông quan qua cửa khẩu Kim Thành- Lào Cai. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, sau hai lần kiểm tra trực tuyến vườn trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tươi của Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt cho 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin thêm, vừa qua có 36 mã số vùng trồng và 18 mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc khuyến cáo cần có giải pháp khắc phục và bổ sung hồ sơ để họ xem xét phê duyệt trong đợt tiếp theo.

Đối với một số vườn trồng và cơ sở đóng gói tại Việt Nam hiện chưa phù hợp với yêu cầu của Nghị định thư, ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo cần có giải pháp khắc phục để được xem xét phê duyệt trong thời gian tới.

Đó là vườn trồng cần có chứng chỉ sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc các hoạt động, hồ sơ ghi chép tại vườn trồng phù hợp với GAP.

Việc việc quản lý vệ sinh vườn trồng phải được chú trọng như: cành tán phải được cắt tỉa, dọn dẹp tàn dư thực vật, chăm sóc kịp thời… Đáng lưu ý là đa số vườn trồng sầu riêng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt do thiếu các biện pháp quản lý cỏ dại. Vườn trồng có sự xuất hiện các loại cây tạp và không có biện pháp cách ly hiệu quả đối với các vườn xung quanh.

Hồ sơ sổ sách về quản lý, ghi chép và theo dõi các loài sinh vật gây hại tại vườn. Vườn trồng phải lắp đặt bẫy ruồi đục quả (sâu đục trái) và lắp đặt cần đảm bảo số lượng bẫy theo quy định.

[Tỉnh Gia Lai đẩy mạnh đầu tư vùng trồng sầu riêng xuất khẩu]

Trong quá trình Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến, nhận thức của thành viên tham gia phỏng vấn chưa đầy đủ và cách phòng trừ về các loài sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm. 

Các vườn trồng cũng cần lưu ý về cơ sở vật chất, như phải có nhà kho và đảm bảo điều kiện môi trường vệ sinh. Như nhà kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật cần đảm bảo đúng quy định…

Điểm đáng lưu ý là nơi lưu trữ tạm thời sầu riêng ngay sau khi thu hoạch phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, cách ly hiệu quả với kho lưu trữ thuốc bảo vệ thực vật, có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp.

Bên cạnh đó, hồ sơ, sổ sách về quy trình thu hoạch cần bổ sung hình ảnh và các tài liệu liên quan đến quá trình thu hoạch sầu riêng. Một số vườn trồng không có hồ sơ tập huấn; không có sổ theo dõi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không có hồ sơ ghi chép về quản lý sinh vật gây hại.

Theo ông Ngô Xuân Nam, việc được cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, sầu riêng Việt Nam sẽ mở rộng hơn con đường xuất sản phẩm này sang Trung Quốc.

Chúng ta cần đảm bảo tinh thần hợp tác và tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của phía Trung Quốc trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, qua đó giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục