Tiêu thụ điện tiếp tục tăng mạnh, đảm bảo giữ nước cho phát điện mùa khô

Để đảm bảo phát điện, cơ quan chức năng đã huy động cao nhất có thể nguồn năng lượng tái tạo theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định, không làm quá tải.

Tiêu thụ điện tại nhiều khu vực trong cả nước tăng mạnh do nắng nóng. (Ảnh: evn)
Tiêu thụ điện tại nhiều khu vực trong cả nước tăng mạnh do nắng nóng. (Ảnh: evn)

Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), từ ngày 15/4 đến ngày 21/4, phụ tải tiếp tục duy trì ở mức cao, riêng miền Bắc phụ tải bình quân tăng mạnh.

Áp lực cung ứng điện

Thống kê trong tuần 16 (từ ngày 15/4-21/4) nắng nóng diễn ra tại các miền trên cả nước, nhu cầu phụ tải tiếp tục duy trì ở mức cao. Sản lượng trung bình ngày là 881,2 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 2,4 triệu kWh (cao hơn so với phương thức tháng 4 khoảng 15,5 triệu kWh). Riêng miền Bắc phụ tải bình quân tuần qua tăng hơn 13 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó do nắng nóng vào cuối tuần.

Tuy vậy, tình hình cung ứng điện tuần qua tiếp tục được đảm bảo tốt, đặc biệt trong điều kiện phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó miền Bắc tăng 10,2%, miền Trung 7,6%, miền Nam 11,3%.

Trong tuần qua, tình hình nước về các hồ thủy điện ở khu vực miền Bắc đạt thấp, chỉ đạt khoảng 25-80% trung bình nhiều năm, miền Trung có 21/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm từ 17-92% còn lại một số hồ có nước về tốt từ 116-251% trung bình nhiều năm như ĐakĐrinh, Thượng KonTum, Đak Re.

Trong khi miền Nam ngoại trừ Đồng Nai 2, Trị An có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 24-74%.

Đến thời điểm hiện tại, lượng nước tích trong các hồ vẫn đang thấp hơn so với kế hoạch tháng do sản lượng theo nước về (cả thủy điện nhỏ) các ngày trong tuần trung bình khoảng 57,3 triệu kWh/ngày, thấp hơn 28 triệu kWh/ngày so với phương thức tháng 4 (85,3 triệu kWh/ngày).

Trước tình hình nắng nóng bắt đầu gia tăng tại miền Bắc, nhu cầu phụ tải tăng cao thủy điện sẽ tiếp tục được huy động và khai thác đều cho đến dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Trước tình hình thủy văn và nhu cầu phụ tải tăng cao, công tác vận hành nguồn tại khu vực miền Bắc tiếp tục thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thủy điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi.

img_0694.jpg
Huy động hợp lý các nguồn điện, đảm bảo an toàn hệ thống trong cao điểm nắng nóng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về điều hành, cơ quan chức năng tiếp tục yêu cầu giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện như: Thực hiện tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp; các giải pháp đặt ràng buộc tăng huy động nhiệt điện để tiết kiệm thủy điện; tận dụng khả năng truyền tải trong các khung giờ thấp điểm trưa để tiết kiệm thủy điện miền Bắc.

Tại khu vực miền Trung và miền Nam, sẽ huy động tiết kiệm các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện. Đồng thời, đưa các nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành AGC (hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh tăng giảm công suất) theo điều kiện giám sát công suất trên cung đoạn Hà Tĩnh-Nghi Sơn-Nho Quan trong các khung giờ thấp điểm trưa ngày nghỉ lễ và ngày chủ nhật do quá giới hạn truyền tải.

Cùng đó, huy động các nhà máy BOT (Duyên Hải 2, Phú Mỹ 22, Vân Phong 1) để đảm bảo yêu cầu bao tiêu, phần sản lượng trên bao tiêu huy động theo giá và nhu cầu hệ thống.

Trước đó, từ ngày 11/4/2024 đối với Nhà máy điện BOT Phú Mỹ, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã huy động bằng nhiên liệu khí LNG, ưu tiên huy động đảm bảo tuân thủ hợp đồng nhiên liệu đã ký kết cũng như huy động tất cả các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí để tiết kiệm thủy điện và chế độ lưới điện.

Đối với các nhà máy nhiệt điện, tiếp tục triển khai các giải pháp đặt các ràng buộc trong công tác lập lịch nhằm khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than miền Bắc và truyền tải trên các cung đoạn đường dây 500kV Trung-Bắc, cung đoạn đường dây 500kV Hà Tĩnh-Nghi Sơn-Nho Quan với mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc.

Song song với đó, A0 cũng đã huy động Nhà máy Điện Thái Bình 2 để đảm bảo khả dụng hệ thống điện miền Bắc và tiết kiệm thủy điện. BOT Phú Mỹ 3 từ ngày 11/4/2024, huy động bằng nhiên liệu khí LNG tái hóa, ưu tiên huy động đảm bảo tuân thủ hợp đồng nhiên liệu đã ký kết và huy động các nhà máy BOT Nghi Sơn, Duyên Hải 2, Phú Mỹ 22, Vân Phong 1 để đảm bảo yêu cầu bao tiêu, phần sản lượng trên bao tiêu huy động theo giá và nhu cầu hệ thống.

Ngoài ra, tận dụng khả năng truyền tải trong các khung giờ thấp điểm trưa để tiết kiệm thủy điện miền Bắc, theo đó truyền tải trên cung đoạn 500kV Nho Quan-Nghi Sơn duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 27.5 - 34.4 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2421 MW.

Tiết kiệm triệt để nước ở các hồ thủy điện

Đối với năng lượng điện gió, điện Mặt Trời, tuần qua, sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 105,1 triệu kWh (thấp hơn 6,5 triệu kWh so với kế hoạch tháng 4), trong đó nguồn gió là 13,9 triệu kWh (thấp hơn 13,9 triệu kWh so với kế hoạch tháng 4). Do vậy, công tác huy động sẽ thực hiện theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống.

Đáng chú ý, trào lưu truyền tải trên lưới điện 500kV trong tuần qua chủ yếu theo hướng từ Trung ra miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Mức truyền tải nặng nhất trên các đường dây 500kV Nho Quan-Nghi Sơn-Hà Tĩnh.

Trên cơ sở đánh giá phụ tải, tình hình thời tiết tuần tới, công tác vận hành trong tuần 17 đối với các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 4/2024, đáp ứng ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo Quy trình liên hồ.

Đối với khu vực miền Bắc, cơ quan chức năng yêu cầu tiết kiệm triệt để nước ở các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp. Thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thuỷ điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện.

500kv_2.jpg
Trào lưu truyền tải trên lưới điện 500kV trong tuần qua chủ yếu theo hướng từ Trung ra miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. (Ảnh: evn)

Đối với miền Trung và miền Nam, huy động tiết kiệm các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện. Huy động các nhà máy nhiệt điện than theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, quán tính hệ thống và chất lượng điện áp.

Ngoài ra, huy động các nhà máy tuabin khí theo theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, chất lượng điện áp và yêu cầu vận hành an toàn, ổn định của các mỏ khí, huy động cao nhất có thể nguồn năng lượng tái tạo theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện. Ngoài ra, sẽ huy động các nguồn chạy dầu khi cần thiết, cũng như tạo điều kiện cho các nhà máy điện mới thử nghiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục