Sáu vấn đề nóng trong dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi)

Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến trình trong Kỳ họp thứ 7 và thông qua trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) có nội dung đề cập đến giám định giá trị di vật, Bảo vật Quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) có nội dung đề cập đến giám định giá trị di vật, Bảo vật Quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 13/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến đóng góp cho hồ sơ dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi).

Nhiều vấn đề “nóng” trong công tác quản lý và phát huy giá trị di sản đã được các đại biểu nêu ra như: Vấn đề đất đai di tích; giám định giá trị di vật, Bảo vật Quốc gia; quyền lợi-trách nhiệm của chủ sở hữu di sản; hợp tác công tư trong bảo tồn di sản; đưa di sản, di vật, Bảo vật Quốc gia từ nước ngoài về Việt Nam…

Bổ sung 6 nhóm vấn đề

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết Luật Di sản Văn hóa ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 là bước cụ thể hóa chính sách về bảo tồn di sản văn hóa theo Hiến pháp năm 1992 và tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII), cùng các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

vnp_luatdisan.jpg
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Với nỗ lực và sức đóng góp của toàn xã hội, qua hơn 20 năm thực thi, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quốc tế ghi nhận, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Tuy nhiên, từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục được ban hành nhằm tăng cường định hướng cho hoạt động văn hóa, trong đó có di sản văn hóa. Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi Luật Di sản văn hóa cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Đến nay, Dự án Luật đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự kiến trình trong Kỳ họp thứ 7 và thông qua trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Hồ sơ Dự án xây dựng Luật tập trung vào 6 nhóm, trong đó có nhiều vấn đề nóng của ngành.

Cụ thể, một là hệ thống khái niệm và quy trình nhận diện, ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị tổng thể di sản văn hóa.

Hai là vấn đề quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động bảo tàng và di sản tư liệu.

Ba là biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ hướng tiếp cận tổng thể.

Bốn là trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương tới địa phương và cơ chế thống nhất về phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Năm là cơ chế huy động, thu hút tổng thể các nguồn lực xã hội tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Sáu là cơ chế đảm bảo để các quy định pháp luật về di sản văn hóa được thực thi hiệu quả.

Tăng đãi ngộ với các nghệ nhân

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận, góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

vna_potal_dai_su_cac_nuoc_trai_nghiem_tet_co_truyen_viet_nam_tai_lang_co_duong_lam_6543498.jpg
Khách quốc tế trải nghiệm không gian Tết tại Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho hay chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể còn chậm, chưa đáp ứng được thực tế, thiếu đồng bộ, thiên về danh hiệu.

Mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên, chính sách đối với nghệ nhân vẫn còn nhiều nội dung khác mà hệ thống văn bản này chưa đề cập đến hoặc có đề cập nhưng còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, việc phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng và các chính sách cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu. Ông Thủy đề nghị bổ sung thêm điều khoản về đãi ngộ nghệ nhân trong Dự thảo Luật.

Trong công tác quản lý di tích, đại diện Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), ông Nguyễn Đăng Thạo, chỉ ra thực tế tại Đường Lâm hiện nay có tình trạng mua bán chuyển nhượng các thửa đất có nhà cổ để làm du lịch. Bên cạnh đó, những ngôi nhà cổ có nhiều chủ sở hữu do chia thừa kế. Do đó, việc thực hiện tu bổ bảo tồn các ngôi nhà cổ rất khó triển khai vì không có được sự đồng thuận giữa các chủ sở hữu.

“Hiện nay, luật chưa quy định việc cấm hay hạn chế mua bán, chuyển nhượng các loại hình di tích sở hữu tư nhân này nên cũng không thể ngăn cấm hành vi này. Nên chăng chúng ta cũng phải có quy định cấm không cho chuyển nhượng, thừa kế, chia lô tách thửa các loại hình di tích sở hữu tư nhân, có như vậy mới giữ được di sản,” ông Nguyễn Đăng Thạo nêu vấn đề.

Các ý kiến đóng góp trong Hội nghị sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tiếp thu, từng bước hoàn thiện quy định trong từng Điều, Khoản của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục