Các chuyến bay định mệnh American Airlines 11, United Airlines 175 đâm sập Tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới cao 110 tầng ở thành phố New York; American Airlines 77 đâm nổ tung phần sườn phía Tây Lầu Năm Góc gần thủ đô Washington; United Airlines 93 đâm xuống ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pensylvania sáng 11/9/2001 đã khắc ghi vào lịch sử nước Mỹ như một nỗi đau, một vết thương khó lành. Cảnh tượng hoảng loạn, những cột lửa và khói đen khổng lồ như muốn thiêu rụi cả thành phố New York ngày ấy, giờ vẫn ám ảnh không chỉ người dân Mỹ. 2.996 sinh linh thuộc 70 quốc gia bị mất, 18.000 doanh nghiệp nhỏ ở thành phố New York bị phá sản hoặc mất trụ sở, cổ phiếu chứng khoán bị mất giá 1.400 tỷ USD trong tuần đầu tiên và hơn 40 tỷ USD chi riêng cho bồi thường bảo hiểm. Bấy nhiêu đó cũng chưa thể nói hết mức độ khủng khiếp của vụ 19 tên không tặc, chia thành 4 nhóm, cướp 4 máy bay thương mại tấn công vào các cơ sở vốn được coi là biểu tượng của sức mạnh Mỹ. Tròn 10 năm kể từ thảm họa 11/9, nước Mỹ vẫn phát triển và có nhiều đổi thay, an ninh đã được bảo đảm tốt hơn, nhưng đan xen ngổn ngang những việc phải làm là mối lo chưa dứt. Trong 10 năm qua, thành công lớn nhất của nước Mỹ là không để xảy ra bất kỳ vụ khủng bố nào. Nước Mỹ đã phá hàng loạt âm mưu khủng bố như vụ mùa Hè năm 2002, một nhóm khủng bố định cướp máy bay đâm vào tòa tháp US Bank Tower ở thành phố Los Angeles; vụ đưa chất nổ lỏng lên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương trước đêm Noel 2006 hoặc âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại năm 2010. Thế nhưng, trên toàn thế giới, trong 10 năm qua, các hành động khủng bố quy mô nhỏ vẫn diễn ra thường xuyên. Theo thống kê của các tổ chức theo dõi chống khủng bố, riêng trong 8 tháng đầu năm nay, đã xảy ra ít nhất 110 vụ khủng bố trên khắp các châu lục và riêng tại Pakistan từ năm 2003 tới nay đã có hơn 36.000 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực và khủng bố. Vụ lính đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osamar bin Laden trong chiến dịch "Ngọn giáo Hải vương" (Neptune' Spear) đêm 2/5 vừa qua được cho là đã mang lại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama rất nhiều lời khen ngợi và người dân Mỹ "vỡ òa" trong niềm hân hoan. Tuy nhiên, ngay cả ông Obama, trong bài phát biểu tung hô chiến tích này vẫn phải thừa nhận "chắc chắn al-Qaeda sẽ còn tiếp tục thực hiện các vụ tấn công." Và trong chiến lược chống khủng bố mới công bố ngày 29/6 vừa qua, Chính quyền Obama tuy vẫn xác định nhóm al-Qaeda là mối đe dọa lớn nhất, nhưng lần đầu tiên xác định nội địa là khu vực trọng tâm, các nhóm và phần tử khủng bố trong nước đang dần trở thành nguy cơ thực sự. Hậu quả còn kéo dài và dai dẳng. Ngay một năm sau thảm kịch, một tháp tưởng niệm đã được dựng lên tại Lầu Năm Góc, nhưng việc xây dựng lại khu tòa Tháp đôi ở New York vẫn ngổn ngang. Chỉ có một tòa nhà cao 541 mét, cao thứ hai ở khu vực Bắc Mỹ sau tháp truyền hình ở Toronto ở Canada đang được hoàn tất. 3 tòa tháp khác, 1 khu tưởng niệm và 1 khu bảo tàng mới thi công xong phần móng. Đến tháng 8/2011, các nhóm nhân chủng học mới chỉ nhận dạng được di hài và tư trang của 1.631 người, số nạn nhân xấu số chưa được nhận dạng chiếm đến 41%. Chưa kể hàng nghìn người trong 40.000 công nhân và tình nguyện viên dọn đống đổ nát tòa Tháp đôi ngày ấy, nay đã bị chết vì bệnh hoặc đang khiếu kiện vì quỹ bồi thường của chính phủ không công nhận bệnh ung thư mà họ mang trên mình là do nhiễm phải trong quá trình dọn đống đổ nát Tòa tháp đôi.
Các cuộc tranh cãi vẫn chưa dứt xung quanh con số hơn 1 triệu người đã và đang bị liệt vào danh sách tình nghi khủng bố cần phải theo dõi. Người dân Mỹ cũng cảm thấy bị xâm phạm riêng tư khi các cơ quan chức năng, dưới danh nghĩa chống khủng bố, thực thi Đạo luật Yêu nước, thường xuyên nghe lén điện thoại và đọc thư điện tử của những ai tình nghi. Nước Mỹ, sau vụ 11/9, đã nhận được sự đồng cảm và cộng đồng thế giới cũng đứng về phía Mỹ, lên án vụ khủng bố và chia sẻ nỗi đau. Thế nhưng, với hai cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động vào Afghanistan và Iraq với cái cớ chống khủng bố, tốn hàng nghìn tỷ USD, mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo vẫn chưa được cải thiện, bất chấp tuyên bố "bùi tai" của Tổng thống Obama ở Ai Cập ngay sau khi nhậm chức. Sau vụ 11/9, không ít công ty ở Mỹ không muốn tuyển người lao động gốc Arập hoặc đạo Hồi. Đến năm 2010, thăm dò của truyền hình ABC và Thời báo Washington cho thấy chỉ còn 37% người Mỹ có thiện cảm với người Hồi giáo, so với 47% một tháng sau vụ 11/9. Cái đang được gọi là "Mùa Xuân Arập" cũng chưa chắc đã mang lại sự nồng ấm cho mối quan hệ Mỹ - Arập, Mỹ - Hồi giáo. Ám ảnh vẫn nặng nề. Kết quả thăm dò của tổ chức Pew Research Center cho biết có tới 97% người Mỹ cho rằng đã 10 năm trôi qua nhưng họ vẫn nhớ như in vụ 11/9 và thảm kịch này ít nhiều đã ảnh hưởng tới họ và gia đình. Dư luận Mỹ cho tới nay vẫn tiếp tục bị chia rẽ xung quanh chính sách chống khủng bố áp dụng từ sau vụ 11/9. Trong số 1.509 người được hỏi ý kiến từ ngày 11-27/8/2011, có tới 43% cho rằng những sai lầm trong chính sách của Mỹ là nguyên nhân dẫn tới vụ 11/9, so với mức 33% ở thời điểm cuối tháng 9/2001. Có 43% cho rằng sở dĩ trong 10 năm qua trên lãnh thổ nước Mỹ không xảy ra vụ khủng bố nào là do có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, nhưng có tới 62% lo ngại bọn khủng bố sẽ còn thực hiện các vụ tấn công lớn vào Mỹ. 47% nói rằng vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden là một thành tích quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng nước Mỹ vẫn không an toàn hơn vì phần lớn những kẻ chịu trách nhiệm về vụ 11/9 vẫn chưa bị giết hoặc bị bắt. Có tới 67% lo ngại nguy cơ trỗi dậy của Hồi giáo cực đoan trong nước Mỹ và 42% cử tri Dân chủ cho rằng cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq làm tăng nguy cơ khủng bố. Trong bài viết nhan đề "Từ một đế chế đến suy tàn" (From Empire to Decline) dịp 10 năm sau vụ 11/9, Giáo sư về quan hệ quốc tế Michael Cox, Đại học Kinh tế London, cho rằng vị thế của nước Mỹ trước vụ 11/9 dường như không thể bị thách thức, hầu như không có mối đe dọa nào đáng sợ và kinh tế Mỹ được coi là thành công nhất trong lịch sử 200 năm. Thế nhưng, một thập kỷ qua đã chứng kiến một nước Mỹ thay đổi tới mức khó nhận ra. Sự kiện ông Obama, người da màu đầu tiên được bầu làm Tổng thống Mỹ năm 2008 cho thấy người dân Mỹ không còn tin tưởng vào đường lối của đảng Cộng hòa, nhất là năm 2007 khi nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Giới chức Mỹ giờ đây cũng đang nói nhiều tới kỷ nguyên châu Á và quyền lực đang chuyển dịch từ Tây sang Đông./.
Thái Hùng (TTXVN/Vietnam+)