Người dân Saudi Arabia, đất nước có khí hậu nóng thứ hai thế giới, vừa có cơ hội giải trí hiếm hoi khi nhiều trận bão tuyết lớn xuất hiện ở nơi đây. Tuy nhiên có vẻ như niềm vui nghịch tuyết ấy "ngắn chẳng tày gang," khi một học giả Saudi Arabia nói rằng việc dùng tuyết đắp tượng là hành vi tội lỗi.
“Không ai được phép tạo ra các bức tượng từ tuyết, dù là với mục đích chơi đùa hay giải trí,” giáo sỹ nổi tiếng Sheikh Mohammed Saleh al-Munajjid viết trên một trang web về tôn giáo. Tuyên bố này của ông sau đó đã được hãng Reuters trích lại.
Ông cũng đã ban lệnh cấm việc đắp tượng người tuyết và tượng các con vật từ tuyết. Theo ông, Hồi giáo Sunni chống lại việc (dùng tuyết) tạo ra một hình ảnh của con người.
“Người dân có thể tạo ra mọi thứ họ muốn, chỉ cần nó không có linh hồn” – ông nói trong lệnh cấm, cho thấy người dân có thể tạo ra các tòa nhà, các con tàu, hoa quả... từ tuyết, nhưng không thể đắp tượng dựa theo các loài động vật.
Tuy nhiên bất chấp lệnh cấm này, nhiều người Saudi Arabia ở các khu vực tại phía Bắc đất nước, nhất là vùng Tabuk, vẫn đắp các bức tượng giống nhân vật người tuyết trong văn hóa phương Tây, hoặc các con vật như lạc đà.
Dù chính quyền Saudi Arabia chưa đưa ra bình luận gì về lệnh cấm của Al-Munajjid, một cuộc tranh cãi nảy nửa đã diễn ra trên mạng xã hội ở quốc gia này.
“Việc đắp tượng chẳng có giá trị gì với truyền thống của chúng ta. Những người hứng thú với phương Tây nên học hỏi các phát minh và khoa học, thay vì văn hóa của họ” – một blogger chống người tuyết viết.
Người khác cho rằng tình trạng tuyết rơi dày chỉ kéo dài trong vài ngày, thậm chí là vài giờ nên lệnh cấm của vị học giả kia đã lấy đi niềm vui của dân chúng Saudi Arabia.
Trận bão tuyết quét qua vùng Trung Đông vào tuần trước đã gây ảnh hưởng tới nhiều nước. Trong khi một số khu vực phải ban bố tình trạng khẩn cấp, bao gồm Dải Gaza và khu Bờ Tây, người dân tại nhiều vùng đất ở Saudi Arabia đã rất thích thú trước hiện tượng tuyết rơi, do nó hiếm khi xảy ra ở nước này./.