Ngày 6/1, truyền thông Saudi Arabia đưa tin Quốc vương Salman bin Abdulaziz al Saud đã chỉ thị cung cấp các khoản trợ cấp lạm phát cho người dân để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do chi phí sinh hoạt được dự báo leo thang sau khi quốc gia giàu có này áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT).
Cụ thể, từ ngày 1/1, những lao động làm việc cho chính phủ sẽ được nhận trợ cấp sinh hoạt 267 USD tháng trong vòng 1 năm, trong khi trợ cấp dành cho các nhân viên quân sự làm nhiệm vụ ở tiền tuyến trong các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới phía Nam nước này là hơn 1.300 USD.
Ngoài ra, cùng với lương hưu, những người đóng bảo hiểm xã hội cũng được trợ cấp 133 USD/tháng trong 1 năm.
Quốc vương al Saud còn chỉ thị trợ cấp cho người dân trong một số lĩnh vực cụ thể như chăm sóc y tế và giáo dục, cũng như hỗ trợ người dân lần đầu tiên mua nhà trị giá hơn 200.000 USD. Trợ cấp dành cho sinh viên, người đã nghỉ hưu cũng được tăng lên.
[Saudi Arabia và UAE lần đầu tiên áp dụng thuế giá trị gia tăng]
Theo Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia, tại nước này hiện có khoảng 1,8 triệu người làm việc trong các cơ quan chính phủ và hơn 1 triệu người đang hưởng lương hưu.
Ngày 1/1 vừa qua, cùng với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia đã lần đầu tiên chính thức áp dụng thuế VAT. Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt chính sách mà các nước vùng Vịnh áp dụng nhằm tăng ngân sách và giảm chi tiêu trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu giảm mạnh trong thời gian dài.
Ngay lập tức, giá xăng đã tăng thêm 127% tại Saudi Arabia. Trong khi đó, thuế mua hàng 5% cũng được áp dụng đối với hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Đây là lần thứ hai Saudi Arabia tăng thuế đối với mặt hàng nhiên liệu trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên, mức giá xăng tại nước này vẫn đang ở một trong những mức thấp nhất trên thế giới.
Trước đó, Saudi Arabia đã chi hàng tỷ USD vào các tài khoản đặc biệt nhằm hỗ trợ những người dân nghèo khó đối mặt với tình trạng giá cả leo thang này.
Theo giới phân tích, những khoản thuế mới này sẽ giúp hai quốc gia vùng Vịnh thu được thêm 21 tỷ USD trong năm 2018, tương đương với 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến ngành kinh doanh mua sắm nước này, vốn nổi tiếng với các trung tâm thương mại miễn thuế.
Các quốc gia vùng Vịnh khác như Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar cũng cam kết sẽ áp thuế VAT, song quyết định lùi thời gian áp dụng sang đầu năm 2019./.