Saudi Arabia và Ai Cập đã thành lập một quỹ chung trị giá 10 tỷ USD nhằm phát triển một siêu đô thị.
Thông tin trên được Chính phủ Saudi Arabia thông báo ngày 5/3, đúng dịp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tới thăm Cairo nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Theo nguồn tin chính phủ, Saudi Arabia đã ký thỏa thuận đầu tư với Ai Cập nhằm phát triển một số khu vực thuộc phía Nam Bán đảo Sinai của Ai Cập trở thành một phần của NEOM, một siêu dự án được mô tả là phiên bản của Thung lũng Silicon nằm tại ngã ba biên giới giữa Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập.
Cụ thể, quỹ chung trị giá 10 tỷ USD sẽ dành để xây dựng một phần của dự án NEOM nằm trên Ai Cập.
Dự án này đã từng được Thái tử Mohammed tiết lộ tháng 10 năm ngoái như một phần trong các kế hoạch nhằm đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia vốn phụ thuộc vào dầu mỏ này.
[Saudi Arabia: Tham vọng đưa du lịch trở thành nguồn “dầu trắng”]
Sáng kiến NEOM trị giá 500 tỷ USD, với sự kết hợp các từ viết tắt của tiếng Anh và tiếng Arab có nghĩa là "Tương lai mới," sẽ là một trung tâm công nghệ số và công nghệ sinh học trải rộng hơn 26.500km2, là tham vọng đồng thời là nỗ lực thoát khỏi phụ thuộc dầu mỏ của Saudi Arabia, sẽ chú trọng vào các lĩnh vực như năng lượng, nước sạch, công nghệ sinh học, thực phẩm, chế tạo tiên tiến và giải trí.
Thái tử Mohammed bin Salman khẳng định NEOM là trọng tâm trong chiến lược đầu tư mới, là chìa khóa cho giấc mơ hiện đại hóa đất nước.
Thái tử Mohammed bin Salman, đồng thời là Phó Thủ tướng thứ nhất và Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, nêu rõ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên vị trí Thái tử Saudi Arabia phản ánh "chiều sâu và sức mạnh" của mối quan hệ giữa Ai Cập và Saudi Arabia.
Ông Mohammed bin Salman cũng bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ tạo đà cho mối quan hệ chiến lược giữa hai nước và tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực nhằm thúc đẩy hành động chung của các nước Arab và Hồi giáo để ứng phó với các thách thức và mối đe dọa.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ai Cập và Saudi Arabia đang nỗ lực tăng cường các mối quan hệ chính trị và kinh tế, hơn một năm sau khi hai nước có những hiểu nhầm về một số vấn đề khu vực hồi năm 2016, cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Syria và thỏa thuận phân định biên giới trên biển vốn đã gây ra làn sóng phản đối ở Ai Cập.
Trong thời gian qua, quan hệ giữa Ai Cập và Saudi Arabia đã có bước cải thiện đáng kể. Saudi Arabia tái khẳng định cam kết là nước tài trợ chủ chốt cho Ai Cập với việc cung cấp cho Cairo hàng tỷ USD dưới hình thức viện trợ, hỗ trợ, các sản phẩm dầu mỏ và tiền gửi nhằm giúp vực dậy nền kinh tế Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi năm 2013.
Ai Cập và Saudi Arabia có mối quan hệ đồng minh đặc biệt. Cairo đã hỗ trợ Riyadh trong cuộc chiến chống lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen và tham gia cùng với Saudi Arabia, Bahrain và các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) chấm dứt quan hệ ngoại giao, thương mại và vận tải với Qatar hồi giữa năm 2017./.