Tờ Wall Street Journal ngày 9/8 đưa tin Saudi Arabia và Israel đã nhất trí được “các điều khoản bao quát” cho một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương dưới sự trung gian của Mỹ, và hy vọng sẽ có thể tiến tới ký kết trong vòng 1 năm nữa.
Tờ báo trên dẫn lời các quan chức Mỹ không nêu tên cho biết mặc dù danh sách các vấn đề chưa nhất trí vẫn còn dài, nhưng việc đạt được “các chi tiết cụ thể hơn” cho thỏa thuận này là khả thi.
Tin cho biết các bên đã “lên một kế hoạch thực hiện để xem xét các yếu tố của thỏa thuận và thử nghiệm giới hạn của chúng.”
[Israel đánh giá về triển vọng bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia]
Tuy nhiên, bài báo cũng dẫn lời Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman tái khẳng định quốc gia Trung Đông này chưa vội ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ xét chính phủ cánh hữu cứng rắn hiện nay tại Israel.
Cùng ngày 9/8, tờ Financial Times đưa tin Saudi Arabia và Israel chỉ còn khoảng 6-9 tháng nữa để thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận, trước khi Mỹ bước vào giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử, dự kiến vào tháng 11/2024.
Triển vọng bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel càng được quan tâm hơn kể từ khi hai nước láng giềng vùng Vịnh là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain thiết lập quan hệ với Israel vào năm 2020.
Saudi Arabia vốn được coi là “anh cả” trong thế giới Arab Hồi giáo, nên việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Riyadh có thể ảnh hưởng đến lập trường các quốc gia Arab và Hồi giáo khác.
Từ lâu, Israel và Saudi Arabia đã duy trì liên lạc thường xuyên ở cấp độ không chính thức, song Riyadh vẫn từ chối công nhận Israel do liên quan đến cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông.
Mỹ đã tăng cường thúc đẩy quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel sau những thành công của Hiệp định Abraham - sáng kiến do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra nhằm thuyết phục các nước Arab công nhận Nhà nước Do Thái.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ Mỹ-Israel cũng trở nên căng thẳng sau việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái và Thủ tướng Netanyahu thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi./.