Sẽ có chiến dịch “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh?

Việc chọn thời điểm công bố tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh được giới phân tích cho rằng đã được phía Mỹ tính toán kỹ lưỡng.
Sẽ có chiến dịch “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh? ảnh 1Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ là sự kiện thể thao vì phát triển và hòa bình. (Ảnh: Getty Images)

Quyết định của Chính phủ Mỹ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh đã được dự đoán từ lâu và đúng như dự đoán, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chọn cách tẩy chay ngoại giao thay vì tẩy chay toàn diện để tránh bị chỉ trích về việc lợi dụng chính trị đối với Thế vận hội.

Theo nhận định của tờ Donga Ilbo (Hàn Quốc) trong một bài bình luận vừa mới đăng, việc chọn thời điểm công bố tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh được giới phân tích cho rằng đã được phía Mỹ tính toán kỹ lưỡng. Tuyên bố được đưa ra chỉ 3 ngày trước Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ do Mỹ tổ chức. Mỹ đã mời hơn 110 quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc tham dự hội nghị và đây được xem là cơ hội thuận lợi để chính quyền Mỹ vận động các nước, đặc biệt là đồng minh ủng hộ.

Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như vấn đề Đài Loan đang tiếp tục bị đẩy lên cao, Mỹ đang tiếp tục sử dụng vấn đề nhân quyền và phát động một cuộc tấn công mạnh mẽ vào Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp tiếp theo để trừng phạt Trung Quốc có thể sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ do Mỹ dẫn dầu. Các nghị sĩ Mỹ cũng đang lên tiếng cho rằng việc gây áp lực mạnh lên Trung Quốc là cần thiết. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mitt Romney được báo chí dẫn lời cho rằng "một cuộc tẩy chay Thế vận hội đang gửi thông điệp đúng đắn đến Đảng Cộng sản Trung Quốc."

Đối với giới phân tích, thước đo thành công của một quyết định tẩy chay trước hết là sức thu hút của hành động đó đối với số đông. Để có tác động đáng kể, việc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh phải được đông đảo các nước tiến hành.

[LHQ thông qua Nghị quyết tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022]

Trên hệ thống truyền hình Pháp France-Télévision hôm 7/12, bà Carole Gomez - chuyên gia địa chính trị đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS nhấn mạnh: “Nếu bạn là người duy nhất vắng mặt tại sự kiện, thay vì thu hút sự chú ý và vạch trần một điều gì đó, chính bạn sẽ lâm vào tình trạng bị tẩy chay và gạt ra bên lề.”

Hiệu quả của một hành động tẩy chay cũng tùy thuộc vào phản ứng của quốc gia bị nhắm tới. Trong trường hợp của Trung Quốc, chuyên gia Gomez cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố trả đũa có thể khiến nhiều các quốc gia khác không theo gương tẩy chay của Mỹ, nhất là khi Trung Quốc, do trọng lượng kinh tế ngày càng tăng, vẫn là đối tác thương mại chính của nhiều nước.

Có lẽ chính vì những lời đe dọa trả đũa đó của Bắc Kinh mà quyết định tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh mà Washington loan báo chưa gây ra được một làn sóng hưởng ứng từ phía các quốc gia khác, kể cả tại các nước đồng minh thân thiết của Mỹ. Hầu hết đều duy trì một thái độ thận trọng trước khi đưa ra quyết định dứt khoát.

Những quốc gia đầu tiên ủng hộ 

Ngay sau khi Mỹ thông báo quyết định tẩy chay, Australia và New Zealand là hai nước đầu tiên lên tiếng. Theo hãng tin Reuters, sáng 8/12 vừa qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã thông báo rằng các quan chức Australia sẽ không đến dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh và những quan ngại về nhân quyền là một trong các yếu tố được Canberra cân nhắc để đưa ra quyết định tẩy chay ngoại giao thế vận hội Bắc Kinh.

Thủ tướng Morrison cho biết quyết định của Canberra không có gì là đáng ngạc nhiên căn cứ vào quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh càng lúc càng xấu đi trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp của Mỹ, các vận động viên Australia vẫn sẽ đến tranh tài tại Trung Quốc.

Trong khi Australia nói rõ lý do tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh về mặt ngoại giao là vấn đề nhân quyền, thì New Zealand ngay ngày 7/12 lại kín đáo hơn, thông báo việc nước này sẽ không cử đại diện ngoại giao cấp bộ đến tham dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, nhưng nhấn mạnh rằng quyết định đó “chủ yếu là do dịch COVID-19,” chứ không liên quan gì đến thông báo của Mỹ, cho dù Wellington cũng từng bày tỏ thái độ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc.

Ngày 8/12, hai quốc gia khác tiếp tục theo gương Mỹ trong vấn đề tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh là Canada và Anh. Reuters trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Trudeau rằng Bắc Kinh biết rõ những lo ngại lâu nay của phương Tây về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, do đó “không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi quyết định không cử đại diện ngoại giao tới Bắc Kinh.”

Quyết định của Thủ tướng Trudeau dường như chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã không dễ dàng gì giữa Canada và Trung Quốc sau vị bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu của phía Mỹ.

Sẽ có chiến dịch “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh? ảnh 2Khu thể thao dưới nước Ice Cube. (Nguồn: globaltimes.cn)

Về phần mình, mới đây, khi được hỏi tại Quốc hội rằng liệu Anh có đi theo Washington tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh hay không, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Sẽ có một cuộc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh, dự kiến sẽ không có bộ trưởng hay quan chức nào tham dự.” Ông nói thêm rằng “tôi không nghĩ việc tẩy chay thể thao là điều hợp lý và đó vẫn là chính sách của chính phủ,” điều đó án chỉ các vận động viện của Anh sẽ vẫn tham gia tranh tài.

Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết nước này vẫn chưa mời các quan chức Anh tới tham dự Thế vận hội. Một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói: “Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa mời các bộ trưởng hay quan chức của Anh tới tham dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh.” Người này nói thêm: "Biến sự hiện diện của các quan chức chính phủ tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh trở thành một vấn đề về cơ bản là một chiến dịch bôi nhọ chính trị.”

Cân nhắc của Liên minh châu Âu

Ngay sau thông báo của Mỹ về việc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022, mọi con mắt đều đổ dồn vào Pháp, đầu tầu của Liên minh châu Âu (EU) và là nước sẽ tổ chức Thế vận hội Paris 2024. Cùng được quan tâm là Italy, nước đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2026. Trong trường hợp của Pháp, Tổng thống Macron sẽ bị ràng buộc vì phải tránh không để Thế vận hội Paris 2024 lâm vào tình trạng bị Trung Quốc tẩy chay để trả đũa hành động của Pháp.

Italy có phần rõ ràng hơn Pháp. Theo nhật báo The New York Times, một quan chức chính phủ Italy hôm 7/12 khẳng định Rome sẽ không tham gia cuộc tẩy chay của Mỹ. Quyết định này cũng dễ hiểu vì trong tư cách là nước tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 2026, theo truyền thống của Thế vận hội, Italy phải cử đại diện chính thức đến Bắc Kinh đã nhận biểu tượng Thế vận hội mà nước đi trước bàn giao cho nước đi sau.

Ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU), dù toàn khối vừa gia hạn thêm một năm lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc dính líu đến vụ người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương, và dù Nghị viện châu Âu, tháng Bảy vừa qua, đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc về việc kêu gọi các quan chức ngoại giao tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh, Ủy ban châu Âu đã có quan điểm không ủng hộ việc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh.

Theo New York Times, ngày 7/12, cơ quan hành pháp của EU đã ra thông cáo cho rằng châu Âu sẵn sàng đóng góp cho mục tiêu “truyền bá các giá trị tích cực và thúc đẩy tự do và nhân quyền ở cấp độ toàn cầu,” tuy nhiên những sự kiện như Thế vận hội “không nên được sử dụng để tuyên truyền chính trị.”

Những tính toán của Hàn Quốc

Nhiều đồng minh khác của Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định. Về phía Nhật Bản, nhật báo Sankei Shimbun hôm 8/12 trích dẫn các nguồn tin giấu tên từ chính phủ cho biết Nhật Bản đang cân nhắc việc không cử các thành viên nội các tới Thế vận hội. Trong khi đó, theo báo Donge Ilbo (Hàn Quốc), Hàn Quốc đang ở ngã ba đường trong vấn đề này.

Sẽ có chiến dịch “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh? ảnh 3Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam. (Nguồn: Yonhap News)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam cho biết: “Phía Mỹ đã thông báo trước cho chúng tôi về quyết định này thông qua kênh ngoại giao. Tuy nhiên, chưa có yêu cầu nào về việc tham gia tẩy chay. Chính phủ Hàn Quốc ủng hộ việc đăng cai thành công Thế vận hội Bắc Kinh và hy vọng Thế vận hội sẽ đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng thế giới cũng như mối quan hệ liên Triều.”

Người phát ngôn cũng cho biết "Vẫn chưa có quyết định nào liên quan đến kế hoạch cử quan chức chính phủ tới Thế vận hội." Nhà Xanh cũng chưa quyết định liệu Tổng thống Moon Jae-in có tham dự Thế vận hội hay không.

Về phía Hàn Quốc, quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh là điều rất khó thực hiện. Nó sẽ không giúp chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đạt mục tiêu đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán.

Chính phủ Hàn Quốc lại đang thể hiện nỗ lực hiện thực hóa tuyên bố kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Thêm nữa, từ cuộc khủng hoảng thiếu dung dịch ure vừa qua, có nhiều lo ngại gia tăng trong chính phủ Hàn Quốc rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa thương mại nếu nước này tham gia vào một cuộc tẩy chay ngoại giao cùng Mỹ. Hàn Quốc phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc trong thương mại cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chính.

Hàn Quốc đang thực sự rơi vào tình huống khó khăn. Chính phủ đương nhiệm không cần phải vội vàng đưa ra quyết định, nhưng dù có trì hoãn thì cũng không thể tránh khỏi việc phải đưa ra quyết định tại một thời điểm. Vì thế, cần phải có một chính sách ngoại giao khôn ngoan và thực tế.

Chính phủ Hàn Quốc cũng không thể bỏ qua vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc khi mà Mỹ, đồng minh thân cận của Hàn đã sử dụng cụm từ “nạn diệt chủng và vi phạm nhân quyền vẫn tiếp diễn ở Tân Cương, Trung Quốc.” Tuy nhiên, xét về lọi ích quốc gia, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in trước tiên cần phải coi trọng việc nâng cao uy tín quốc gia với tư cách là một thành viên của nhóm các nước phát triển. Ngay cả khi chính phủ quyết định không tham gia tẩy chay Thế vận hội thì quyết định đó cần được cộng đồng quốc tế tôn trọng và có lý lẽ thuyết phục.

Nếu Hàn Quốc đưa ra quyết định sai lầm, lợi ích và hình ảnh quốc gia sẽ bị tổn hại. Còn nhớ, phương Tây không mấy ấn tượng về hình ảnh cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi bà bước lên bục trên Quảng trường Thiên An Môn năm 2015 để quan sát cuộc duyệt binh của quân đội Trung Quốc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục