Sẽ có lời giải cho tranh cãi giữa CSP và nhà mạng

Cơ quan nhà nước sẽ sớm có lời giải về việc các CSP "tố" nhà mạng  "đè đầu" trong việc hợp tác cung cấp dịch vụ nội dung trên di động.
Vấn đề “ăn chia” giữa doanh nghiệp di động và doanh nghiệp nội dung (CSP) luôn nóng khi CSP "tố" bị nhà mạng “đè đầu, cưỡi cổ.” CSP vừa trả tiền cho nhà mạng sử dụng đầu số, vừa phân chia doanh thu nội dung mà lại “thấp thỏm” không biết bị cắt đầu số lúc nào…

Tại Hội thảo "Kết nối Internet và kết nối giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung" ngày 10/7, ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng phòng Cấp phép và Thị trường (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, các doanh nghiệp di động đã phân chia doanh thu với CSP qua phí sử dụng đầu số nhưng vẫn tiếp tục phân chia cả doanh thu nội dung lên tới 55-75%.

Không những tỷ lệ ăn chia đã ở “chiếu dưới,” CSP còn nơm nớp lo sợ nhà mạng có thể ngừng kết nối bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể tới việc chất lượng kết nối tới các CSP có sự “ưu ái” khác nhau.

Bên cạnh đó, nhà mạng cũng cung cấp dịch vụ nội dung cạnh tranh trực tiếp với CSP, trong khi CSP không được tự quyết định giá cước dịch vụ… Thậm chí, nhà mạng còn cung cấp dịch vụ nội dung cạnh tranh với CSP.

Vẫn theo ông Trung, những nguyên nhân này cùng với việc phân chia doanh thu chưa hợp lý, dẫn đến việc không khuyến khích các CSP không có cơ hội để sản xuất và cung cấp các dịch vụ có hàm lượng nội dung chất lượng cao.

[Làm gì để đưa ứng dụng di động Việt ra biển lớn?]

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VMG thẳng thắn cho rằng, nếu nhà mạng cung cấp nội dung thì sẽ rất khó cho CSP, bởi bao giờ thì nhà mạng cũng sẽ ưu tiên sản phẩm của mình hơn.

Lãnh đạo của VMG cũng nói thêm, Việt Nam nên tham khảo mô hình kết nối chung của Nhật Bản, các CSP chỉ phát triển nội dung và cung cấp qua cổng kết nối chung, thay vì phải phân chia dịch vụ theo từng nội dung, qua đó mới mong thị trường nội dung số phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Trái với quan điểm của CSP, đại diện Viettel Telecom cho rằng trừ dịch vụ cung cấp nhạc số di động có bản quyền, còn lại tới hơn 90% các CSP cung cấp những dịch vụ…không trả bản quyền như nhắn tin kết quả bóng đá, xổ số… Bởi thế, giá thành sản xuất dịch vụ của CSP thấp hay cao rất khó nói.

Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã từng nói sẵn sàng chia sẻ 90% doanh thu cho các CSP nếu họ làm ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt mà nhà mạng… không làm được.

Phía Viettel Telecom cho biết, nhiều CSP có nội dung tốt vẫn được nhà mạng này chia sẻ doanh thu tới 70-80%.

Đại diện của MobiFone thì nói, nhà mạng đang cung cấp dịch vụ nội dung thay vì trở thành một doanh nghiệp thuần túy về hạ tầng, làm thuê cho các CSP. Ngoài ra, việc nhà mạng quản lý nội dung hiện nay đỡ chuyện CSP làm ăn không chuyên nghiệp, thu nhiều tiền của khách hàng...

[Viettel sẵn sàng chia 90% cho nhà cung cấp nội dung]

Trên thực tế, câu chuyện “ăn chia” giữa nhà mạng và CSP đã có từ rất lâu. Nhất là trong bối cảnh thị trường di động chứng kiến việc smartphone bùng nổ, cước 3G rẻ…

Theo đại diện của Cục Viễn thông, có 2 phương án được đưa ra là gộp tất cả các chi phí mà nhà mạng phải gánh khi cung cấp dịch vụ cho CSP vào “cước kết nối” và CSP sẽ trả một khoản duy nhất hoặc CSP trả nhà mạng cước kết nối cứng và phân chia doanh thu nội dung nhưng tỷ lệ tối đa nhà mạng được hưởng không quá 50%.

Tuy nhiên, các phương án này vẫn đang trong quá trình xem xét. Và, việc các doanh nghiệp viễn thông, CSP, nhà quản lý ngồi lại để bàn thảo sẽ giúp Cục Viễn thông tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong việc giúp nhà mạng và CSP “bắt tay” cung cấp nội dung tốt nhất đến người dùng./.

Yên Thủy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục