Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đầu tháng Năm tới, Tổng cục Đường bộ sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra toàn bộ hạ tầng trên tuyến, giải quyết ngay các vướng mắc về công nghệ, đảm bảo đầu tháng Sáu bắt đầu thí điểm thực hiện.
“Sau khi thí điểm thu phí tự động không dừng thành công trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ nhân rộng ra các tuyến cao tốc khác,” ông Huyện nhấn mạnh.
Tại cuộc họp về thí điểm chỉ có thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vào ngày 19/4, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, tuyến cao tốc này có 62 làn thu phí, con số tính toán khi chuyển sang thu phí không dừng (ETC) chỉ cần cần vận hành 32 làn. Hiện nay, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cũng đã hoàn thành lắp đặt đủ số làn, đảm bảo vận hành chỉ có thu phí không dừng. Hiện, tỷ lệ dán thẻ và nạp tiền với xe lưu thông trên tuyến đã tăng lên 65%.
“Tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng còn có tuyến Quốc lộ 5 cũ và hệ thống các đường quốc lộ khác chạy song song nên người dân có rất nhiều lựa chọn, vì thế hoàn toàn không có chuyện chỉ thu phí không dừng trên cao tốc này sẽ hạn chế quyền đi lại của người dân,” ông Huyện nói rõ.
Mặt khác, Nghị định 100/2019 và Nghị định 123 cũng đã quy định xử phạt phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí không dừng. Khi triển khai thí điểm, xe không đủ điều kiện sẽ không được vào cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
[Lùi thu phí tự động trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sang tháng Sáu]
Khẳng định với việc khi xảy ra lỗi ETC sẽ có các giải pháp, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, trên tuyến sẽ không bố trí làn thu phí thủ công mà chỉ bố trí làn xử lý sự cố. Khi xe gặp lỗi sẽ vào làn này để xử lý nhằm tránh được hiểu lầm của chủ phương tiện là vẫn còn làn thu phí hỗn hợp nên không dán thẻ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng các kịch bản tình huống có thể xảy ra và phân giao trách nhiệm xử lý cho từng khâu nhằm đảm bảo công tác triển khai đạt hiệu quả./.