Sau ba năm triển khai, dự án "Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên-Huế," do Cộng hòa Séc tài trợ, đã xây dựng được 700 công trình khí sinh học (hầm biogas) cho các hộ nông dân.
Ngày 19/11, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Trường Đại học Praha (Cộng hòa Séc) đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả của dự án "Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên-Huế."
Ông Martin Klepeko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam và ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì hội thảo.
Dự án "Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên-Huế" có tổng nguồn vốn đầu tư 457.000 USD, do Cộng hòa Séc tài trợ, thời gian thực hiện ba năm (từ năm 2011-2013) được triển khai trên địa bàn sáu xã, phường, bao gồm phường Hương An, Hương Toàn, Hương Xuân (thị xã Hương Trà) và xã Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền).
Sau ba năm triển khai, dự án đã hỗ trợ xây dựng 700 công trình khí sinh học (hầm biogas) cho các hộ nông dân chăn nuôi, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học cho những hộ nghèo, hộ chăn nuôi có số lượng nhiều, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời hỗ trợ 298 giống lợn F1 cho 148 hộ tham gia dự án.
Dự án còn tổ chức 29 lớp tập huấn cho 700 hộ gia đình về xây dựng, bảo trì và quản lý hầm khí sinh học, phổ biến thông tin cho người dân về quản lý nguồn phân chuồng hiệu quả, ứng dụng phụ phẩm khí sinh học cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ xây dựng hai công trình điện Mặt Trời quy mô nhỏ (công suất 100w) cho Trạm Y tế xã Phong Thu (huyện Phong Điền) và phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà) và một số hoạt động khác trong khuôn khổ của dự án.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu, mặc dù nguồn đầu tư không lớn nhưng các mục tiêu của dự án đã đạt được như mong muốn. Dự án đã giúp cho người nông dân nâng cao hiểu biết kiến thức trong chăn nuôi sạch, hạn chế sự ô nhiễm môi trường do sự phân hủy chất hữu cơ ra ngoài tự nhiên; đồng thời quản lý tốt nguồn chất thải nhờ biết tái tạo ra nguồn năng lượng sạch, bền vững từ chất thải chăn nuôi để phục vụ cuộc sống và mở rộng sản xuất.
Hàng năm, mỗi hộ gia đình trong vùng dự án tiết kiệm từ 2,1 đến 2,5 triệu đồng tiền chất đốt..../.