Tuy nhiên đến cuối năm, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến thậm chí là thách thức phía trước được dự báo có phần còn quyết liệt hơn, hầu hết các công ty đã phải thu gọn quy mô nhỏ gọn hơn nữa. Cùng với đó, các cuộc chia tay với những nhân sự cấp cao trên thị trường cũng đang càng ngày càng nhiều.
Danh sách tiếp tục nối dài
Từ đầu tháng 9 tới nay, hàng loạt công ty chứng khoán đưa ra thông báo miễn nhiệm các chức vụ chủ chốt tại công ty.
Theo đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội và Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam miễn nhiệm phó Tổng Giám đốc. Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam miễn nhiệm Tổng Giám đốc.
Đáng chú ý, Công ty Chứng khoán Sacombank miễn nhiệm liên tục tới 3 vị trí phó tổng giám đốc hay Công ty Chứng khoán Phố Wall cũng thông báo miễn nhiệm 2 vị phó tổng giám đốc.
Ngoài ra, các Công ty Chứng khoán Hồng Bàng, Công ty Chứng khoán Hùng Vương, Công ty Chứng khoán Nam Việt cho hay cũng thay đổi thành viên Ban Giám đốc...
Một số công ty khác cho hay họ cũng đang cân nhắc để giải bài toán nhân sự, đặc biệt là đối với các nhân sự cấp cao trước thực trạng thị trường, khiến các chỉ tiêu kinh doanh không đạt như mong muốn, kỳ vọng của cổ đông.
Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, ngành kinh tế nào cũng có những cuộc ra đi từ đội ngũ nhân sự cấp cao, nhưng có lẽ ngành chứng khoán là thuộc lĩnh vực khốc liệt nhất, khi mà danh sách đội ngũ lãnh đạo khung rời ngành vẫn đang liên tục được nối dài.
Trước đó, thị trường chứng khoán bất ngờ tăng trưởng nóng trong các năm 2006 – 2007, khiến nguồn nhân lực cấp cao tại nhiều ngành nghề đặc biệt là lĩnh vực tài chính thi nhau đổ về đây. Ban đầu đến với thị trường mọi người cùng mang theo những nhiệt huyết đam mê với tâm trạng đầy hứng khởi và kỳ vọng, nhưng nay đứng trước cuộc chia tay mỗi người lại có một nỗi niềm riêng.
Nhiều lý do “nhạy cảm”
Họ thuộc đội ngũ nhân sự cấp cao, nên hơn ai hết họ hiểu rõ về thực trạng thị trường, cũng như "sức khỏe" công ty và với nhiều lý do tế nhị khác để đưa ra những quyết định ra đi, anh B.D.N, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán V, khá tâm trạng khi nói về cuộc chia tay của mình với thị trường chứng khoán.
“Tâm lý người ra đi, chắc chắn là rất buồn. Tâm huyết từ bao nhiêu năm được đào tạo trong nghề, thì giờ đây kỳ vọng đã trở thành thất vọng. Lý do ra đi đơn giản là thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống”.
Với tấm bằng thạc sĩ quốc tế và nhiều năm làm việc tại một công ty nước ngoài, đời sống gia đình anh N tương đối ổn định và thuộc vào hàng trung lưu trong xã hội. Vậy nên với mức lương mà công ty chứng khoán trả sau khi cắt giảm, anh đã rất lúng túng trong cuộc sống. Anh N thật lòng than thở, mức lương cứng trung bình trước đây cho vị trí tổng giám đốc khoảng từ 30 triệu đồng – 50 triệu đồng, vị trí phó tổng giám đốc từ 25 triệu đồng – 30 triệu đồng. Tuy nhiên do kinh doanh làm ăn thua lỗ, lương trở thành gánh nặng và một số công ty thực hiện cắt giảm lương tới gần một nửa.
“Mỗi tháng cầm hơn chục triệu đồng với vị trí lãnh đạo, không biết đi giao thiệp, quan hệ ngoại giao kiểu gì. Với các chi phí sinh hoạt cá nhân như chi xăng xe ôtô, trang phục hàng ngày nếu cố gắng cũng có thể thu xếp được, nhưng những khoản học hành và nuôi dạy con cái trong gia đình thì không thể muốn là cắt đi được,” anh N nói.
Mặc dù vẫn đang đương vị tại chức phó tổng giám đốc, phụ tránh chi nhánh Hà Nội của công ty chứng khoán M, nhưng anh V cũng có chung tâm lý trên. Theo anh V, cả nửa năm nay chi nhánh của anh gần như chỉ duy trì hoạt động vốn có, bởi càng sáng tạo, càng nỗ lực càng mắc cạn.
“Cá nhân tôi, thời gian gần đây thậm chí lại quay sang tìm kiếm các kiến thức mang tính nhân văn thay vì loay hoay với các nghiệp vụ chuyên ngành. Bản thân mình “ngồi chơi xơi nước” thì cũng phải vui lòng chấp nhận mức lương còi thôi. Nhưng nói thật, không giám giao lưu gì nhiều, đi đâu làm gì cũng phải cân nhắc đến cái ví tiền,” anh V nói. Anh V cũng cho hay, với thị trường như hiện tại dù công ty không gây sức ép gì, nhưng này anh cũng cảm thấy nản lòng và cũng đang có ý định rời bỏ chứng khoán, quay lại với công việc cũ trước đây của mình.
Một vị tiến sĩ, trưởng bộ môn Tài chính – Ngân hàng tại một trường Đại học dân lập quốc tế, nguyên một giám đốc khối phân tích tại một công ty chứng khoán lớn chỉ ra căn nguyên, trước đây các lãnh đạo cao cấp tại các công ty chứng khoán thường có mức thu nhập gần như tương đương với ngành ngân hàng, chưa kể thưởng doanh thu trong ngành chứng khoán là rất lớn, có thể lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng.
“Nhưng từ khi thị trường èo uột, các công ty chứng khoán nhỏ sức cầm cự đã yếu dần, họ cực chẳng đã tìm mọi cách cơ cấu quy định một lãnh đạo phải kiêm nhiệm thêm vài vị trí hay trực tiếp cắt giảm lương cơ bản, hoặc hơn nữa là họ gây sức ép về doanh thu khiến cho các nhân sự này tự thu xếp rút lui,” vị tiến sĩ cho biết.
Chủ động là thượng sách
Anh N thẳng thắn cho rằng, ngoài lý do trên thì nhiều người đồng cấp như anh còn nhiều lý do khó nói và buộc phải chủ động ra đi trước khi bị “gọi tới tên”.
Bởi nếu như các thành viên trên thị trường đều thấu hiểu về sự tổn thương của các nhà đầu tư trong thời gian qua, thì những mất mát cá nhân của giới điều hành cao cấp gần như được giữ kín vì những lý do tế nhị. Dù không bị thiệt hại đến hàng trăm tỷ như một vài nhân vật chủ chốt tại một số công ty chứng khoán đã bị báo chí phanh phui. Song, anh N cho hay một số người mà anh biết ít cũng mất vài tỷ đồng, nhiều thì tổn thất tới một vài chục tỷ đồng.
“Là những thành viên liên quan đến thị trường chứng khoán, khó ai có thể nói tôi hoàn toàn không đầu tư chứng khoán. Hơn nữa, những người ở vị trí cao cấp thường có tiếp cận với nhiều cơ hội mang tính chất chủ quan, nên sự tham gia của họ có khi còn sâu và lớn hơn các nhà đầu tư. Và việc họ bị những tổn thất cùng thị trường là không thể tránh khỏi. Không đến mức phải trốn nợ, nhưng cũng phải tìm phương kế sinh nhai khác để tồn tại.” anh N nói.
Đối với ông D.T.T, nguyên giám đốc môi giới kỳ cựu tại một công ty chứng khoán P, rời bỏ nghề chứng khoán từ hai tháng nay để chuyển sang mở một công ty chuyên sản xuất lạc rang húng lìu, lại là để tìm lại cảm giác thanh thản và nhẹ nhõm. “Thực ra, ra đi không hẳn do thị trường, bởi các công ty chứng khoán trụ được trên thị trường thì họ vẫn cần một đội ngũ quản lý cao cấp và công ty vẫn phải thu xếp trả lương. Thực trạng thị trường thì ai cũng biết nên áp lực doanh số cũng không phi lý đến mức phải nghỉ. Tuy nhiên có rất nhiều lý do không tiện nói ra và nó nghiêng về sức ép tâm lý, buộc nhiều người phải đưa ra lựa chọn tối ưu là nghỉ việc,” ông T nói.
Song, nếu ai đã từng tham gia sâu và có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường, thì dường như niềm “luyến ái” phần nào vẫn còn đang đeo bám họ.
Mặc dù đã may mắn tìm được vị trí công việc mới phù hợp với ngành nghiên cứu của mình, nhưng vị trưởng bộ môn Tài chính – Ngân hàng trên cho rằng, "Về dài hạn chứng khoán vẫn là ngành hay. Phải thú nhận, công việc thuần túy như hiện tại không mang lại nguồn thu nhập cao vì vậy nếu muốn làm giàu thì những người làm tài chính như tôi vẫn phải chờ thời cơ mà quay lại thị trường chứng khoán."
Khi được hỏi liệu có quay lại với thị trường chứng khoán, anh N băn khoăn cho rằng, tình trạng thị trường chứng khoán tới đây còn rất xấu, nếu có ổn định thật sự thì cũng phải đợi thị trường bất động sản, ngân hàng đi lên trước.
“Vì vậy, tạm thời tránh bão tại thời điểm này chúng tôi sẽ tập trung vào ngành tiêu dùng thiết yếu, tích lũy năng lượng lâu dài và chờ ngày quay lại thị trường,” anh N chia sẻ./.