SHB đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới Tín dụng Xanh sẽ chiếm 10%

SHB hiện đang đẩy mạnh nguồn vốn vào các dự án cùng chiến lược quốc gia như dự án nông nghiệp bền vững, năng lượng sạch, công trình trọng điểm, logistics...

SHB đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới Tín dụng Xanh sẽ chiếm 10% trên tổng dư nợ của ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)
SHB đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới Tín dụng Xanh sẽ chiếm 10% trên tổng dư nợ của ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại châu Á-Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động tài trợ Bền vững tốt nhất 2024.” Tín dụng Xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng tư nhân tích cực cho vay Xanh tại Việt Nam.

Bên cạnh chính sách, mục tiêu quản trị cùng những thành tựu có thể đo lường được trong hoạt động tài trợ bền vững, Global Finance đánh giá cao SHB trong các dự án trách nhiệm cộng đồng, nổi bật có thể kể đến chương trình “Hỗ trợ giảm thiểu tác động của COVID-19 cho doanh nghiệp phụ nữ làm chủ” do ADB tài trợ. Đến hết năm 2022, SHB dẫn đầu trong số 5 ngân hàng tham gia dự án với tổng số tiền viện trợ không hoàn lại từ ADB để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng lên tới 1,7 triệu USD.

SHB cũng được tạp chí Asiamoney và tạp chí FinanceAsia trao tặng giải thưởng “Ngân hàng có tác động ESG tốt nhất Việt Nam” cho những tác động tích cực liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. Tại Diễn đàn Kinh tế Xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững do Hiệp hội môi trường Việt Nam tổ chức, SHB nằm trong tốp 10 doanh nghiệp Xanh và phát triển bền vững đồng thời là tốp 10 Ngân hàng thu xếp vốn đầu tư hiệu quả cho các dự án năng lượng Việt Nam giai đoạn 2017-2021 do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vinh danh…

Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng nói chung và SHB nói riêng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “Xanh hóa” dòng vốn cho mục tiêu phát triển bền vững, tích cực đồng hành cùng Chính phủ hướng đến mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.

Với vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trong tốp 4, luôn đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước, thời gian qua, SHB chú trọng đẩy mạnh tài trợ vốn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp, đặc biệt là đầu tư các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho các vùng trọng điểm trên cả nước.

“Hai năm liên tiếp, vượt qua 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á-Thái Bình Dương để chiến thắng giải thưởng Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất SHB đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc đáp ứng, tuân thủ theo các hướng dẫn về thúc đẩy Tín dụng Xanh như hướng dẫn của IFC và Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, trên cơ sở đó xây dựng quy định quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng,” đại diện SHB chia sẻ.

SHB áp dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội với nhiều tiêu chí khắt khe do Ngân hàng Nhà nước và IFC ban hành. Do đó, các dự án được cấp vốn phải đáp ứng các điều kiện khắt khe theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Không chỉ hỗ trợ về vốn, SHB cũng đồng hành với chủ dự án thông qua tư vấn an toàn kỹ thuật, xây dựng năng lực… góp phần giúp khách hàng đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức quốc tế, cung cấp các chương trình tài trợ carbon, chương trình đào tạo, bảo lãnh khoản vay.

“Chúng tôi đặt mục tiêu Tín dụng Xanh tại SHB trong vòng 5 năm tới sẽ chiếm 10% trên tổng dư nợ của ngân hàng. Đây là một mục tiêu khá thách thức, song khẳng định cam kết bền vững của SHB với chiến lược phát triển lâu dài, ổn định, hưởng ứng các chính sách của quốc gia, cùng với lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050,” đại diện SHB nhấn mạnh.

Nhận thức sớm tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, từ 10 năm trước, SHB đã hợp tác với các đối tác quốc tế như WB, IFC, ADB… và đang tiếp tục tăng cường để tìm kiếm nguồn vốn trung dài hạn ưu đãi, đồng thời tư vấn về an toàn, kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho khách hàng và SHB trong việc thực hiện, tài trợ có hiệu quả các dự án.

Ảnh 1 (10).jpg
SHB năm thứ 2 nhận giải Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

Bên cạnh đó, SHB đẩy mạnh nguồn vốn vào các dự án đồng hành cùng chiến lược quốc gia như dự án nông nghiệp bền vững, năng lượng sạch, công trình trọng điểm, logistics... Một số dự án đã hoàn thiện và được giới chuyên môn về kinh tế Xanh đánh giá cao như nhà máy gạo Hạnh Phúc – công trình được đầu tư với quy mô lớn nhất châu Á tại An Giang được khánh thành vào tháng 1/2022.

Nhà máy được hoàn thiện nhờ nguồn vốn 1.000 tỷ đồng tài trợ từ SHB nhằm từng bước ổn định an ninh lương thực và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Nhà máy vận hành 100% theo giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu, chế biến gạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các chuẩn mực khắt khe của thế giới về an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao giá trị gạo Việt Nam. Công suất sấy lúa tươi của nhà máy đạt 4.800 tấn/ngày, công suất xay xát, chế biến khoảng 1.600 tấn/ngày, tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.

Các dự án năng lượng Xanh luôn là lựa chọn của SHB. Nhà máy điện gió Yang Trung, là một trong những cụm điện gió lớn nằm tại Gia Lai, có tổng công suất phát điện lên tới 145Mw, mỗi năm đóng góp gần 1 triệu MWh vào mạng lưới điện quốc gia. Với 36 tua-bin gió, nhà máy ghi nhận tổng mức đầu tư dự kiến 6.246 tỷ đồng, trong đó có phần lớn tài trợ từ SHB.

Tại Tây Nguyên, SHB cũng giải ngân hơn 584 tỷ đồng, tương đương 70% tổng vốn đầu tư của dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Đăk Sin 1. Tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, SHB cũng rót vốn cho công trình Nhà máy thủy điện Nậm Lúc (Lào Cai), dự án Thủy điện Bái Thượng (Thanh Hoá).

Bên cạnh các dự án nông nghiệp, năng lượng sạch, SHB đã tích cực đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia và dự án logistics. Vào năm 2013, SHB đã tài trợ 6.200 tỷ đồng cho các dự án giao thông, hạ tầng trọng điểm của quốc gia như cầu vượt ba tầng tại nút giao thông ngã ba Huế - Đà Nẵng; dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa…

Logistics, vận tải cảng biển được xác định trở thành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hướng tới hoàn thành 6 mục tiêu trong "Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025" do Chính phủ đề ra, SHB thực hiện tài trợ vốn cho Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - dự án mở đầu của mạng lưới Logistics Thông minh ASEAN (ASLN), do Việt Nam và Singapore hợp tác triển khai dưới sự xúc tiến của thủ tướng hai nước. Dự án có quy mô 83 ha, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục