Nghệ thuật sử dụng bột thủy tinh trộn với bột kim loại để tạo ra các loại men màu trang trí trên bề mặt các đồ đồng, vốn được xác định có xuất xứ từ các nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại.
Nghệ thuật này đã theo chân các cuộc Thập tự chinh du nhập vào châu Âu. Từ nhiều chứng tích khảo cổ, các nhà khảo cổ học cho rằng nghệ thuật này đã đến với đất nước Trung Quốc qua Con đường tơ lụa, trước khi dừng chân tại đất nước Nhật Bản.
Lịch sử
Loại hình nghệ thuật tráng men lên đồ đồng rất đa dạng. Một trong những hình thức tráng men đồ đồng truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản là kháp ti pháp lang.
Cách làm là dùng những sợi tơ đồng mảnh và nhỏ kết thành các dạng họa tiết gắn lên cốt bằng đồng, rồi trát đầy men pháp lang nhiều màu lên phần trong và ngoài các ô trang trí. Sau đó, cốt đồng sẽ được đưa vào lò nung và công đoạn cuối cùng là mài nhẵn.
Theo các tài liệu khoa học, sau khi tiếp nhận nghệ thuật kháp ti pháp lang, người Nhật không chỉ nhanh chóng nắm bắt kỹ nghệ chế tác mà còn phát triển thành một loại nghệ thuật truyền thống mang đặc trưng của Nhật Bản, được người Nhật gọi là shippo (thất bảo).
Trong thời kỳ đầu, các đồ đồng shippo chỉ được chế tác ở quy mô nhỏ trong các gia đình nghệ nhân. Do tính chất kỳ công, tinh xảo và sử dụng các nguyên liệu quý hiếm như vàng, bạc, đồng để chế tác, đồ đồng shippo chỉ dùng cho giới quý tộc, giàu có để làm quà tặng hoặc trang trí trong phòng khách để thể hiện đẳng cấp của mình.
Các thương nhân Trung Hoa khi đến Nhật Bản đã nhanh chóng nhận thấy đồ đồng shippo của Nhật Bản thực sự là kiệt tác có giá trị, thậm chí còn vượt cả đồ kháp ti pháp lang của Trung Hoa. Vì vậy, đồ đồng shippo của Nhật Bản lại trở thành một mặt hàng được ưa chuộng tại Trung Hoa, nơi đã đưa nghệ thuật shippo đến đất nước Mặt Trời mọc.
Nghệ thuật Shippo Nhật Bản bắt đầu gây tiếng vang trên thế giới khi xuất hiện tại Triển lãm quốc tế Paris năm 1867. Kể từ đó, các tác phẩm shippo của Nhật Bản được giới thiệu tại hàng loạt triển lãm quốc tế.
Nhiều nghệ nhân shippo của tỉnh Aichi như Kodenji Hayashi, đã nhận nhiều giải thưởng danh giá cho các kiệt tác của mình, ghi danh nghệ thuật shippo của Nhật Bản trên bản đồ nghệ thuật thủ công truyền thống đặc sắc của thế giới.
Với thắng lợi này, người Nhật xuất khẩu đồ shippo đi khắp thế giới, nhiều nhất là đến châu Âu. Nhiều tác phẩm nghệ thuật shippo của Nhật Bản có niên đại từ một trăm năm trước đã được phát hiện tại Lục địa già.
Để đáp ứng nhu cầu đồ đồng shippo của Nhật Bản trên thế giới, các xưởng shippo xuất hiện ngày càng nhiều tại Nhật Bản, đặc biệt từ sau năm 1833 khi nghệ nhân Tsunekichi Kaji tại thành phố Nagoya giới thiệu kỹ thuật chế tác của mình. Tỉnh Aichi là nơi nghệ thuật shippo phát triển rực rỡ nhất, trở thành trung tâm chế tác shippo của Nhật Bản.
Kỳ công
Câu hỏi đặt ra tại sao nghệ thuật Shippo của Nhật Bản có thể gây ấn tượng với thế giới như vậy. Trước khi nói đến lý do dẫn đến thành công của người Nhật Bản trong việc phát triển thành công nghệ thuật shippo, chúng ta cần biết đến quá trình chế tác một đồ đồng shippo.
Đầu tiên, người thợ phải tạo ra phôi đồng hay còn gọi là cốt đồng, có thể là bình hoa, đĩa hoặc hộp thơ, ba loại phôi đồng phổ biến nhất để sử dụng trang trí shippo.
Công đoạn tiếp theo là vẽ họa tiết lên phôi đồng. Sau đó, một mạng lưới các sợi chỉ bạc mỏng sẽ được dán theo đường các hoa văn. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ.
Theo một nghệ nhân, tùy theo độ phức tạp của họa tiết và độ lớn của đồ đồng mà thời gian dính các sợi chỉ bạc lên bề mặt đồ đồng kéo dài bao lâu, thường là từ 7-10 ngày. Trên nhiều đồ dùng bằng đồng shippo cổ, các sợi chỉ bạc được đính một cách khéo léo đến mức khiến cho người xem khó tưởng tượng được công việc tinh xảo đó là do bàn tay con người tạo nên.
Công đoạn bào chế màu men được xem là công đoạn khó bậc nhất trong nghệ thuật shippo. Màu men của shippo được làm chủ yếu từ hai nguyên liệu chính là bột thủy tinh mịn và bột kim loại.
Tùy theo công thức bí truyền về tỷ lệ pha trộn các loại bột, thành phần bột, nhiệt độ và thời gian nung của mỗi xưởng shippo, mà các nghệ nhân có thể tạo ra nhiều màu men bóng khác nhau.
Sau khi có được màu men ưng ý, các nghệ nhân bước vào việc bồi màu lên phôi đồng. Các sợi chỉ bạc lúc này tạo thành các ô nhỏ trên phôi đồng, sẽ giúp phân ranh giới giữa các mảng màu.
Sau khi hoàn tất công đoạn phủ men màu, đồ đồng sẽ được đưa vào lò nung có nhiệt độ từ 700-800 độ C. Thời gian nung thông thường của một phôi đồng là khoảng 10 phút/lần song tùy theo độ lên màu của men bóng mà các nghệ nhân có thể cho vào lò nung lại.
Công đoạn cuối cùng của shippo là mài phôi. Nghệ nhân sử dụng các viên đá nhám đặc biệt để mài lên bề mặt của phôi đồng nhằm tạo cho làm bế mặt trở nên mịn màng và bóng đẹp hơn. Các nghệ nhân tại đây cho biết thời gian trung bình để hoàn thành một đồ đồng shippo cỡ vừa phải từ 20 ngày đến một tháng.
Với thiên hướng thẩm mỹ riêng, các nghệ nhân Nhật Bản đã có sự sáng tạo lớn trong việc tạo men màu, phối màu, linh hoạt trong thể hiện họa tiết và tinh tế trong việc tạo dáng sản phẩm.
Các sản phẩm shippo của Nhật Bản với các kiểu họa tiết hoa, muông thú được thể hiện sống động trên các cốt đồng được đánh giá là các kiệt tác. Chính vì vậy, các đồ đồng shippo có giá rất đắt. Một chiếc bình hoa shippo cao 10cm, đường kính ở phần lớn nhất 8cm có giá tới 550.000 yen (5.000 USD).
Các sản phẩm shippo của Nhật Bản mượt mà và có độ lấp lánh, sáng bóng như châu báu. Đây có lẽ chính là nguồn gốc của tên gọi shippo với ý nghĩa những đồ kháp ti pháp lang là những báu vật.
Là quốc gia đến sau trong việc tiếp nhận nghệ thuật kháp ti pháp lang song nghệ thuật shippo của Nhật Bản được các nhà chuyên môn đánh giá đạt đến độ thượng thừa về kỹ thuật và mỹ thuật. Phải chăng tính cách của người Nhật Bản chính là yếu tố quyết định sự thành công nghệ thuật shippo. Đó chính là sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì mà mỗi nghệ nhân chế tác shippo đều cần phải có./.