Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn thờ ơ, mơ hồ với thông tư này. Thậm chí, nhiều người chưa biết đến những quy định mới như phải có giấy chứng nhận sức khỏe, người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...
Vẫn “bình chân như vại”
Ngày 11/1 vừa qua, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi công văn đến tất cả các sở y tế tỉnh, thành phố để kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý.
Theo yêu cầu của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, tất cả các địa phương cần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền cho những người kinh doanh thức ăn đường phố về những quy định trong Thông tư nêu trên nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở đối với sức khỏe cộng đồng.
Dạo một vòng quanh khu vực Đại học Quốc gia khu vực quận Thanh Xuân hay ở Cầu Giấy nhiều người sẽ thấy nhan nhản những gánh hàng rong, quán ăn đường phố. Chỉ cách nhau chục mét có đầy đủ những gánh hàng rong bày bán các mặt hàng ăn uống từ trà đá đến bún ốc, ốc luộc, nem chua rán…
Tuy chỉ còn ba ngày nữa là quy định trên được áp dụng, nhưng theo khảo sát của phóng viên Vietnam+, đa phần những người chủ cửa hàng bán hàng rong này vẫn mơ hồ hay chưa biết đến quy định mới này.
Chị Thanh Hoa - chủ một cửa hàng bánh gối trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) tỏ ra rất ngỡ ngàng khi được hỏi về thông tư mới của Bộ Y tế về kiểm tra thức ăn đường phố sắp áp dụng cần phải có giấy chứng nhận sức khỏe khi bán hàng.
“Mỗi ngày tôi chỉ dán bánh và bán cho khách từ chiều muộn đến tối. Đồ ăn toàn thứ an toàn vệ sinh, có gì đâu mà phải kiểm tra,” chị Hoa nói.
Ngồi ngay trên vỉa hè đường Lê Đức Thọ trong khi dòng xe tấp nập đang đi dưới lòng đường, vừa quạt khoảng chục bắp ngô nướng trên vì than, chị Lan (Mỹ Đình) cho hay, chị chưa hề nghe đến quy định mới về kinh doanh thức ăn đường phố.
Khi được hỏi liệu chị có lo sợ khi cơ quan chức năng bất chợt kiểm tra mà chị không có tủ kính để đựng thức ăn cho hợp vệ sinh, chị Lan cười: “Họ chẳng kiểm tra đến tôi đâu, có kiểm tra thì kiểm tra mấy người bán bún ốc, bánh gối kia kìa.”
Là người ngoại tỉnh về Hà Nội bán hàng rong, khi nghe thông tin Bộ Y tế sẽ “siết chặt” kiểm tra, chị Hòa (ở Thái Bình) bán thịt xiên nướng bày tỏ băn khoăn về việc phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định… Do là lao động bán hàng tự do bên chị Hòa bày tỏ lo lắng không biết ai, cơ quan nào, ở đâu tập huấn và cấp giấy xác nhận cho những người như chị.
Điều đáng lưu ý là khá nhiều người tiêu dùng hiện nay nhận thức được nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố, song họ vẫn vô tư ăn dù biết người bán làm ngơ những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dường như chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã góp phần "tiếp tay" để những cửa hàng này mọc lên như nấm.
Chớ nên đánh trống bỏ dùi
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thức ăn đường phố có những ưu điểm như giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân. Thế nhưng, tình trạng thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khá phổ biến, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người dân. Vì vậy, những yêu cầu mới trong thông tư trên quy định người kinh doanh phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh.
Đối với người dân, có rất nhiều ý kiến cho rằng quy định mới đối với các quán ăn đường phố được Bộ Y tế đưa ra là cần thiết, song cần thực hiện triệt để.
Anh Trần Văn Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Nhiều gánh hàng rong bày bán đồ ăn sẵn tràn lan trên vỉa hè, miệng cống thoát nước gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hy vọng các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, chớ nên tiến hành việc kiểm tra chỉ mang tính hình thức.”
Chẳng hạn như cách đây gần 2 tháng, trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa sự việc nhiều học sinh chỉ cần bỏ ra 2.000 đồng cũng có thể mua một gói “thịt hổ khô” với màu sắc hết sức bắt mắt ở các gánh hàng rong trước cổng trường với xuất xứ không rõ ràng.
Trước vấn đề trên, trả lời phóng viên Vietnam+, ông Trần Quang Trung-Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiến hành lấy mẫu các sản phẩm “thịt hổ khô” trên để tiến hành kiểm nghiệm, phân tích.
Song, gần 2 tháng đã trôi qua, lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm vẫn chưa đưa thông báo hay không hề có thêm thông tin sản phẩm trên là nhập lậu hay đã được cấp phép cũng như thông tin về kết quả kiểm nghiệm sản phẩm này.
Đề cập đến vấn đề kiểm tra và xử lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Vấn đề thức ăn đường phố mất an toàn vệ sinh không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng Thông tư 30 cùng với Luật An toàn thực phẩm là hành lang pháp lý cơ bản để triển khai những giải pháp xử lý."
Việc Bộ Y tế “tuyên chiến” với thức ăn đường phố là điều đã từ lâu người dân mong mỏi nhằm cải thiện về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Song, họ cũng hy vọng rằng khi nghị định đi vào cuộc sống thì lực lượng thanh kiểm tra cần thực hiện triệt để, tiến tới thay đổi từ nhận thức, hành vi của người bán hàng, tránh tình trạng chỉ phát động kiểm tra xong lại “chìm xuồng” như vụ thịt hổ khô vừa qua./.